Nhạc sĩ Dương Thụ: Cuộc sống không phải là đánh bại kẻ khác!

Âm nhạc nào nên đặt vào chỗ đó
Nhạc sĩ Dương Thụ: Cuộc sống không phải là đánh bại kẻ khác!

Là người đa tài, nhạc sĩ Dương Thụ luôn coi mình là người leo ngược dốc nghệ thuật với những ao ước làm những chương trình nghệ thuật tử tế. Trong những ngày nước rút chuẩn bị cho chương trình “Điều còn mãi” lần thứ 5 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào chiều 2-9, nhạc sĩ trải lòng với báo chí về văn hóa, âm nhạc và tình người.

Âm nhạc nào nên đặt vào chỗ đó

Nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ Dương Thụ

- Có ý kiến cho rằng, âm nhạc chỉ nên mang tính giải trí, không nên nặng về nghệ thuật. Ông nghĩ sao về điều này?

>> Nhạc gì thì nhạc, khán giả phải nghe được, phải cảm nhận và rung động được. Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải để xem. Hãy trả lại cho âm nhạc vị trí của nó, nó đang trở thành kép phụ của nghệ thuật. Thời trang cũng dùng nhạc, nhảy múa cũng dùng nhạc. Với tư cách là nhạc sĩ, tôi muốn mọi người được nghe nhạc. Chúng ta vẫn có yếu tố “xem” để bổ sung chứ không át đi yếu tố “nghe”. Âm nhạc thị trường mang nặng tính giải trí cũng có những vị trí của riêng mình. Không cái nào triệt tiêu cái nào nhưng phải đặt nó đúng chỗ.

- Đưa âm nhạc đến với công chúng, và giúp nghệ sĩ khỏi gánh lo cơm áo cũng là việc nên làm?

Đúng vậy. Tôi có bàn với dàn nhạc giao hưởng, 1 năm làm 1 chương trình mang tên “Những giai điệu Việt Nam”. Một phần những tác phẩm khí nhạc là giao hưởng chơi những bài dân ca, hay y như nhạc cổ điển. Chương trình này sẽ bán vé để trả công xứng đáng cho các nghệ sĩ tham gia chương trình. Tôi sẽ xây dựng êkíp mỗi năm một lần gồm những người hát được với dàn nhạc lớn như Nguyên Thảo, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương… Nếu khán giả ủng hộ thì mỗi năm sẽ được nghe những tác phẩm có giai điệu đẹp, có nhiều yếu tố âm nhạc tốt được thính phòng hóa, giao hưởng hóa.

Nhiều người không quen nghe phê bình

- Vừa rồi, cả giới nghệ thuật như nổi sóng bởi nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dành cho dàn diva và cả những ngôi sao thị trường. Ông có cho những nhận xét đó là đúng?

Quá đúng ấy chứ! Nguyễn Ánh 9 có quyền nhận xét. Chú ấy là nhạc sĩ, chuyên môn giỏi, đã dựng nhiều ca sĩ thành danh, nhưng chú ấy có cách nhìn riêng. Chú ấy lại chê cái dàn ca sĩ mà ông Thụ khen là Thanh Lam, Mỹ Linh… và nghĩ rằng tôi sẽ tức, sẽ phản đối nhưng không. Chú Ánh 9 nói đúng. Nên tôn trọng ý kiến của chú mà ngay cả không đúng cũng nên tôn trọng. Phải biết rằng bố mình cũng lắm khi sai nhưng cái sai của bố không giống như cái sai của bạn mình vì thế phải biết cách ứng xử. Đó là văn hóa ứng xử. Cách xử sự với bố không thể giống với bạn được. Không thể nói ông là ngụy quân tử hay là gì được. Như thế là hỗn láo!

- Phải chăng những phản ứng của ca sĩ này là nghệ sĩ trẻ thì chưa biết lắng nghe?

Sản phẩm của xã hội văn hóa nào thì sinh ra con người ấy. Ai phản ứng thế nào thì biết con người đó ở vị trí nào. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy có lỗi vì tại sao mình lại để xảy ra một thế hệ như thế. Mình vô can thế nào được, nên mắng mỏ thế nào được! Giới trẻ là sản phẩm của một xã hội. Xã hội nào, giới trẻ ấy và sản phẩm âm nhạc ấy. Tôi đau xót vì mình có tuổi rồi chưa biết làm thế nào cho thế hệ trẻ lớn lên trong một môi trường văn hóa tốt như ngày xưa một số người được hưởng. Vì thế không nên ném đá nhau, kể cả ném đá giới trẻ. Người Việt Nam thường thích ném đá nhau, không phải chỉ trẻ mà tất cả, ông già cũng thế. Nhưng mình cũng không vì thế mà không yêu người Việt Nam? Cũng như nhạc Việt Nam vậy, hay vừa thôi chứ không phải xuất sắc nhưng không nghe thì lại chỉ nghe nhạc ngoại quốc ư? Vì thế, cần phải hiểu đúng mực, phải thông cảm cả những lỗi lầm thì mới có thể nói được với họ. Tóm lại tất cả là văn hóa ứng xử. Nếu không có cái nhìn nhân bản hơn thì dễ cảm thấy đau xót.

- Còn giới phê bình nghệ thuật, có phải họ quá ít nói những lời thẳng thắn nên giới nghệ sĩ mới có phản ứng như vậy khi nghe nhận xét về mình?

Thứ nhất, phê bình rất khó. Người Việt Nam xưa nay không quen nghe phê bình nên hiệu quả phê bình không tới. Một người như chú Ánh 9 là một sự dũng cảm, vì chú ấy chả có nỗi sợ hãi gì. Người nói thật là người không có nỗi sợ. Chú ấy hồn nhiên vì thế chú ấy có thể nói được. Nỗi sợ do hoàn cảnh xã hội đưa lại. Trước nhỡ mồm thì có thể bị xem xét, kỷ luật… có thể bị mất việc. Vì thế tự nhiên nó hình thành cách an toàn là khen nhau, chê sau lưng. Chê trước mặt thì sẽ bị trả thù. Cả xã hội này có nỗi sợ hãi vì ai cũng mong an toàn, mong khen để an toàn.

- Ông có cho rằng giờ đây, các ca sĩ dường như dễ dãi hơn trong việc chọn bài?

Bi kịch nhất của các ca sĩ bây giờ là phải hát những bài mà các bạn không thích. Khán giả là thượng đế và họ phải được nghe những bài họ thích vì thế ca sĩ đôi lúc cũng buộc làm theo. Như Thanh Lam, cô ấy làm sao mà hát được những bài của Sài Gòn xưa, vì thế không gặp tai nạn sao được? Thanh Lam sinh ra ở miền Bắc, văn hóa khác, vì thế làm sao có thể hát hay được nhạc của Ánh 9. Ngay cả hát nhạc Trịnh Công Sơn, Nhung cũng không hát được. Mình cũng chỉ nghe vậy thôi. Vì uy tín thôi. Văn hóa nào sinh ra kiểu nhạc đó. Như hát nhạc Phạm Duy chỉ có Thái Thanh, cái giọng quý phái, mắng con sen người ở, giọng thành thị mới hát được.

- Tâm lý luôn muốn vượt lên, đánh bại những người khác có phải đó cũng là cách khiến họ ít biết lắng nghe?

Trong cuộc sống của người Việt Nam là đi tìm đối thủ, đi tìm người hơn mình để đánh bại họ. Theo tôi, sự cố gắng không phải là đánh bại, mà nên là cố gắng để làm đúng những gì mình muốn. Hãy để mọi thứ tự nhiên thì sẽ hay hơn, bởi nếu như cứ thốt ra rằng, tôi mơ ước thành ca sĩ số 1 thì sẽ không bao giờ đạt được là số 1.

- Cảm ơn nhạc sĩ!

MAI AN

Tin cùng chuyên mục