Nhạc sĩ Huỳnh Khải: Âm nhạc dân tộc có sức sống mãnh liệt

Nhạc sĩ, thạc sĩ HUỲNH KHẢI:
Nhạc sĩ Huỳnh Khải: Âm nhạc dân tộc có sức sống mãnh liệt

Say mê nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, lớn lên càng quyết tâm đeo đuổi con đường mà mình đã chọn. Và sau những năm tháng nỗ lực không biết mệt mỏi, giờ đây anh đã trở thành Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TPHCM. Điều đáng quý chính là tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống của anh lúc nào cũng cháy bỏng, thôi thúc anh làm nhiều điều để giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc. Anh là nhạc sĩ, thạc sĩ Huỳnh Khải.

“Chúng ta sống trên nền văn hóa dân tộc của đất nước mình”.

“Chúng ta sống trên nền văn hóa dân tộc của đất nước mình”.

- PV: Thưa nhạc sĩ, sau nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, đặc biệt là đàn kìm, đàn tranh và ghi-ta phím lõm, anh nhận thấy sức sống của các loại nhạc cụ này thế nào?

Nhạc sĩ, thạc sĩ HUỲNH KHẢI: Trong đờn ca tài tử, người ta thích nhất là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu và đặc biệt, từ khi cây đàn ghi-ta được đưa vào dàn nhạc của mình thì nhiều người cũng thích cây đàn này. Tuy nhiên, nếu chơi tài tử không thì người ta lại thích những cây đàn dân tộc nhiều hơn bởi lúc đàn việc điều khiển “rung, nhấn, nhá” gần gũi với mình hơn. Thời gian qua, chúng ta tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động âm nhạc dân tộc và đặc biệt là từ năm 1986 có câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử đầu tiên ra đời ở Bến Tre, rồi sau đó nhiều tỉnh, thành khác cũng thành lập các CLB đờn ca tài tử nên sức sống của âm nhạc dân tộc nói chung là hết sức mãnh liệt.

- Theo anh, chúng ta cần làm gì để phát huy được giá trị của các loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc và hấp dẫn giới trẻ?

"Sân khấu cải lương không thể quay lại thời vàng son hồi những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Thực tế cuộc sống có nhiều thay đổi, đòi hỏi cải lương cũng phải có những thay đổi để thích ứng. Tôi nghĩ, cải lương sẽ không chết mà sẽ có hình thức hoạt động khác. Trước đây, cải lương hay là nhờ… điều kiện kỹ thuật chưa hiện đại. Tại sao? Chẳng hạn như, khi thu đĩa một tuồng cải lương, nghệ sĩ phải học thuộc từng lời ca và nhạc sĩ cũng phải nỗ lực đàn thật hay. Còn bây giờ, kỹ thuật hiện đại, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ ỷ lại, ít nỗ lực nên kém hấp dẫn là vậy!"

Nhạc sĩ Huỳnh Khải

Hiện nay, các phương tiện truyền thông rất phát triển nên các loại hình nghệ thuật khác được đưa lên mạng Internet nhiều, tác động nhanh đến công chúng. Theo tôi, nếu nói về hưởng thụ âm nhạc dân tộc thì giới trẻ ít quan tâm hơn. Tôi nghĩ, các loại hình nghệ thuật khác thu hút giới trẻ là do nhiều năm qua đã được số hóa, đưa lên mạng nhiều, còn âm nhạc dân tộc chưa được số hóa, phổ biến trên mạng nhiều nên có phần thua kém.

Chính vì thế, tôi nghĩ, âm nhạc dân tộc nếu muốn thu hút giới trẻ thì nhất thiết phải được đẩy mạnh số hóa, đưa lên mạng thật nhiều, chắc chắn 5 – 10 năm nữa sẽ có chuyển biến khác hẳn. Thời gian qua, tôi đã xây dựng cho mình một trang web để đưa âm nhạc truyền thống lên. Và hàng tuần, tôi đều cố gắng dành thời gian viết bài (đặc biệt là chân dung của các nghệ sĩ, nhạc sĩ âm nhạc truyền thống) đưa lên trang web này để có thể cung cấp cho nhiều người những tư liệu mà mình có được. Với những ai quan tâm đến âm nhạc dân tộc đều có thể truy cập vào website www.huynhkhai.com để tìm hiểu.

- Trong thời buổi hội nhập hiện nay, văn hóa ngoại lai đang du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều thì việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng là hết sức khó khăn. Anh suy nghĩ sao về vấn đề này?

Khi hội nhập với thế giới, không chỉ âm nhạc dân tộc mà ngay cả các loại hình nghệ thuật khác cũng gặp không ít khó khăn. Đây là thách thức đồng thời là một cơ hội để chúng ta vượt qua, khẳng định mình. Trong mỗi người chúng ta, chỉ có thể sống và tồn tại trên một nền văn hóa dân tộc của mình chứ không thể nào dựa vào văn hóa của dân tộc khác. Chính vì thế mà chắc chắn rằng, chúng ta sẽ vượt qua thách thức ấy. Nếu nói riêng về âm nhạc dân tộc, ở tất cả các tỉnh thành, Sở VH-TT-DL nào cũng vận động thành lập các CLB để sinh hoạt, biểu diễn.

Tôi nghĩ, đây là những bước đi hết sức cơ bản và cần thiết. Nếu muốn âm nhạc dân tộc trường tồn và phát triển, những việc làm như thế chúng ta phải kiên trì thực hiện, chứ không thể làm theo kiểu ngày một, ngày hai. Hiện nay, các đài phát thanh, truyền hình cũng tổ chức nhiều sân chơi cho người yêu thích âm nhạc dân tộc, đó cũng là điều kiện thuận lợi để âm nhạc dân tộc phát triển. Tôi tin rằng với những việc đã, đang làm của các ngành, các cấp, chắc chắn chỉ độ 5 năm nữa, loại hình âm nhạc dân tộc trong cộng đồng sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ.

- Sau 8 năm đưa công trình nghiên cứu “Phương pháp sư phạm đàn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đàn kìm” của anh vào giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM, anh nhận thấy phương pháp này mang lại hiệu quả thế nào?

Nếu nói đó là công trình nghiên cứu của tôi thì cũng chưa đúng lắm. Bởi tôi tổng hợp tất cả sự hiểu biết của mình về âm nhạc dân tộc và qua tham khảo của các thầy cô rồi đúc kết lại. Chung quy lại là tôi kết hợp cách dạy truyền thống (tức là truyền ngón) với cách dạy theo giáo trình, giáo án. Mỗi phương pháp này đều có những ưu – nhược điểm, cần bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, với cách dạy truyền thống, người thầy đàn rồi học trò đàn theo, qua ngày mai gặp lại, học trò đàn lại cho thầy xem có đúng không, nếu không đúng, thầy sẽ sửa ngay. Đây là ưu điểm, nhưng bên cạnh đó có nhược điểm là ở buổi học sau, học trò quên cách đàn mà lại không có thầy thì không thể nào đàn được.

Còn với cách dạy theo giáo trình thì ngược lại chỉ cần chỉ qua một lần, học trò có thể tự học không nhất thiết phải có thầy mới học được. Nhưng cái nhược là học trò không được thầy chỉ dạy, luyện – nắn nót ngón đàn. Cho nên sau khi đưa “Phương pháp sư phạm đàn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đàn kìm” vào giảng dạy, tôi nhận thấy các em học thuận lợi hơn.

- Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục