Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lưu danh cùng những bản hùng ca

Tối mai 12-9 tại Trường Đại học Cần Thơ, Sở VH- TT-DL TPHCM phối hợp với Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ tổ chức đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố nhạc sĩ, viện sĩ Lưu Hữu Phước với chủ đề “Non sông gấm vóc và âm nhạc Lưu Hữu Phước”. Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM thực hiện.

Tối mai 12-9 tại Trường Đại học Cần Thơ, Sở VH- TT-DL TPHCM phối hợp với Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ tổ chức đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố nhạc sĩ, viện sĩ Lưu Hữu Phước với chủ đề “Non sông gấm vóc và âm nhạc Lưu Hữu Phước”. Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM thực hiện.

Qua bao thập kỷ, tên tuổi cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989, các bút danh khác Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí) vẫn luôn sống mãi cùng những tác phẩm âm nhạc để đời của ông. Ông không chỉ là một nhạc sĩ lớn, tác giả của những bản hùng ca với các tác phẩm luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, lúc sinh thời ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được xem là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho trường phái âm nhạc Nam bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc, là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông chính là một trong những người đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc để hiệu triệu, thức tỉnh, động viên lớp trẻ tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tác phẩm chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật rất cao, mang tính lịch sử đã lần lượt ra đời, sống mãi cùng thời gian như: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Hồn tử sĩ, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Giải phóng miền Nam, Bạch Đằng Giang… đã làm rung động lòng người bao thế hệ.

Ca khúc trữ tình của ông cũng tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, bên cạnh là những sáng tác dành cho thiếu nhi nổi tiếng: Thiếu nhi thế giới liên hoan, Reo vang bình minh… Không chỉ thế, ông còn sáng tác nhiều thể loại khác như ca cảnh, ca kịch, nhạc cho kịch múa và viết nhiều bài báo, tiểu luận về âm nhạc. Những nghiên cứu, sáng tác của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996.

THÚY BÌNH

Khán giả thưởng thức chương trình “Non sông gấm vóc và âm nhạc Lưu Hữu Phước” sẽ cùng ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân ta qua các tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Thiếu nhi thế giới liên hoan, Non sông gấm vóc, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Khúc khải hoàn, Đoàn quân sông Lô, Giải phóng miền Nam, Hành khúc giải phóng, Tiến về Sài Gòn, Tình Bác sáng đời ta, Tuổi 20, Việt Nam đẹp tuyệt vời… được thể hiện qua phần trình diễn của ca sĩ Thanh Thúy, Lương Chí Cường, Anh Bằng, Quang Linh, Thùy Dương, nhóm FM, Dàn hợp xướng Nhạc viện TPHCM, các nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô, Nhà Thiếu nhi quận Ninh Kiều - Cần Thơ…

Tin cùng chuyên mục