Nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình: Phải xây dựng được nền âm nhạc đích thực

Đời sống âm nhạc hiện nay đang trong cơn khủng hoảng, mà nhiều người còn ví như một “thảm họa”! Đã có nhiều hội thảo, trao đổi và sự lên tiếng của dư luận, của các phương tiện truyền thông... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bình, nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc, hiện là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, xung quanh vấn đề này.
Nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình: Phải xây dựng được nền âm nhạc đích thực

Đời sống âm nhạc hiện nay đang trong cơn khủng hoảng, mà nhiều người còn ví như một “thảm họa”! Đã có nhiều hội thảo, trao đổi và sự lên tiếng của dư luận, của các phương tiện truyền thông... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bình, nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc, hiện là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, xung quanh vấn đề này.

Nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình: Phải xây dựng được nền âm nhạc đích thực ảnh 1

Nhạc sĩ, nhà lý luận - phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình

- PV: Nhạc sĩ Phó Đức Phương có câu nói rất hay: “Nghệ sĩ như ống sáo của thời đại. Thời đại lộng gió thì tiếng sáo hay...”. Thực trạng đời sống âm nhạc hiện nay có nhiều điều bất ổn, ông có thể nói gì về điều này?

Nhạc sĩ HỒ QUANG BÌNH: Sau năm 1975, dòng chảy âm nhạc cả nước tiếp nối những thành tựu, thành công mà chúng ta đã có, và gần đây còn phong phú và đa dạng. Trong chừng mực, nhất định phải ghi nhận đã có những tìm tòi, đổi mới không chỉ trong âm nhạc bác học mà cả trong ca khúc quần chúng. Bằng chứng là luôn có những hoạt động sáng tác và biểu diễn năng động của các nhạc sĩ viết khí nhạc, của các dàn nhạc giao hưởng.

Vừa qua, dàn nhạc giao hưởng quốc gia đã được mời biểu diễn tại nhà hát danh tiếng hàng đầu thế giới ở Mỹ, là một khẳng định rõ ràng tài năng, trình độ biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Ở lĩnh vực ca khúc quần chúng, cũng có những biểu hiện thành công nhất định. Do những biến động trong đời sống xã hội, tất yếu kéo theo nhiều hỗn độn trong đời sống âm nhạc mà nhiều ý kiến hầu như phủ nhận những gì âm nhạc đang tiếp tục mạch chảy và những tìm tòi, khám phá mà nó mang lại.

Tất nhiên, đời sống sẽ có những điều không được như ý muốn. Tôi không phủ nhận thực tế có những nhạc sĩ sáng tác quá dễ dãi thậm chí ngô nghê; những nghệ sĩ biểu diễn không có tài, chỉ nặng khoe khoang, khuếch trương và kiếm tiền... Cộng thêm nhiều yếu tố khác nữa như thị hiếu khán giả, sự quản lý, định hướng yếu kém, các xu hướng ngoại lai khi mở cửa hội nhập... khiến cho bức tranh âm nhạc Việt Nam trở nên khó định dạng và nhiều khi lệch lạc...

- Nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng. Là người lãnh đạo một hội âm nhạc, lại là nhà lý luận phê bình, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Như tôi đã nói ở trên, từ thực tế đó đặt ra vấn đề: Những người làm âm nhạc chuyên nghiệp nghĩ gì, làm gì để tồn tại và tạo ra những tác phẩm âm nhạc hay? Chuyên nghiệp tức là anh đã ở một tầm mức nhất định nào đó, vậy thì anh phải học hỏi, phát huy làm sao cái tính chuyên nghiệp ấy càng ngày càng cao chứ đừng tự mãn với vài thành công ban đầu, đừng tự dễ dãi với mình...

Trong đời sống kinh tế thị trường nước ta hiện nay, gìn giữ cho được những giá trị đích thực là vô cùng quý báu. Một điều chắc chắn là đời sống luôn sôi động và biến động. Âm nhạc xu thời, thời thượng hay âm nhạc làm giàu có tâm hồn con người luôn là câu hỏi đối với người làm âm nhạc chuyên nghiệp.

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một nền âm nhạc đích thực. Khi âm nhạc đích thực là dòng chủ lưu, tất nhiên những hình thức khác sẽ khu trú trong phạm vi nhỏ hẹp; đương nhiên tác hại của các thứ âm nhạc không là âm nhạc sẽ không có khả năng hoành hành trong đời sống.

- Lâu nay, vấn đề lý luận phê bình trong đời sống âm nhạc ở ta vừa yếu, vừa thiếu. Theo ông nguyên nhân từ đâu?

Tiếng nói của lý luận phê bình âm nhạc bị hạn chế như hiện nay có nhiều nguyên nhân, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính là hình như chúng ta không thích bị chê về bất cứ điều gì. Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật thì không bao giờ đứng dậy và lớn mạnh được. Hiện nay, vai trò phản biện hầu như biến mất, nếu có thì cũng chỉ là những câu nói vòng vo để cuối cùng vẫn là âm hưởng của khen.

Một nguyên nhân khác, hầu như không có diễn đàn để nhà lý luận phê bình âm nhạc lên tiếng. Các phương tiện truyền thông chỉ một màu phản ánh, đấy là chưa nói đến người phản ánh không có kiến thức về âm nhạc nên phản ánh không chính xác, thậm chí còn sai dẫn đến những lệch lạc cho công luận...

Âm nhạc là một thành tố trong văn hóa, vậy nên tôi nghĩ chúng ta phải khẩn cấp chấn hưng văn hóa, xây dựng cho được một nền văn hóa lành mạnh, có bản sắc...

Cao Minh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục