Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Đảng đã cho ta cả một mùa xuân

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Đảng đã cho ta cả một mùa xuân

Vừa qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh) là một trong số ít văn nghệ sĩ Việt Nam có vinh dự to lớn được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Một phần thưởng cao quý khác cũng đã đến với Phạm Tuyên là hàng trăm sáng tác của ông viết cho người lớn hay thiếu nhi đang được quần chúng yêu thích, đặc biệt là các ca khúc về Đảng. Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên được kết nạp Đảng tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, đến nay đã được 63 năm tuổi Đảng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12-1-1930, là con thứ chín của một nhân vật nổi tiếng một thời, đó là ông Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong ấn hành trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Quê quán Phạm Tuyên ở tỉnh Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 6 tuổi theo gia đình vào Huế, sống bên bờ sông An Cựu. Thời tiểu học, Phạm Tuyên bắt đầu học nhạc qua các bài bản cổ nhạc. Lên trung học, học nhạc lý Tây phương rồi học đàn guitare và accordéon, tham gia ban nhạc học sinh của Trường Khải Định (nay là Quốc học Huế).

Năm 12 tuổi, bập bẹ sáng tác bài Sóng sông Hương. Năng khiếu âm nhạc của Phạm Tuyên được lộ rõ từ khi ông tham gia bộ đội năm 1949, rồi vào học tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, tại đây ông sáng tác bài Vào lục quân, Đường về trại…

Sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, năm 1950 Phạm Tuyên được cử làm đại đội trưởng đại đội thiếu sinh quân bé nhất của Trường Thiếu sinh quân VN tại Thái Nguyên. Khoảng 1951-1958, Phạm Tuyên là cán bộ phụ trách văn-thể-mỹ tại Khu học xá Trung ương. Tại đây, ông sáng tác khá nhiều ca khúc thiếu nhi, có những bài đến hôm nay các em nhỏ vẫn còn hát như Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Em vui chơi ngày hôm nay, Em được nghe chuyện Bác Hồ… Ông có tuyển tập nhạc Cánh én tuổi thơ gồm 200 bài thiếu nhi do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2008.

Sáng tác của Phạm Tuyên trong thời kỳ chống Mỹ rất phong phúù, đa dạng. Trong năm 1969, ông viết 2 bài về Bác khá hay. Bài Từ làng Sen mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh miền quê Bác. Bài Việt Bắc nhớ Bác Hồ lại mang âm hưởng dân ca Tày ở Cao Bằng, nơi Bác trở về nước năm 1941. Chúng ta đều biết, năm 1975, ông lại có bài Như có Bác trong ngày đại thắng rất nổi tiếng.

Phạm Tuyên còn có những ca khúc nói về những gương kiên cường đánh giặc như Quảng Bình chiến thắng, Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng, Đêm trên Cha Lo, Chiếc gậy Trường Sơn, Hà Nội-Điện Biên Phủ… Ông ca ngợi những con người “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, “tay lưới, tay súng”… Với tuổi trẻ miền Nam, ông có các bài khá hay như Tiếng hát những đêm không ngủ, Những cánh chim Hồng Gấm… Và ông còn sáng tác bài hát ca ngợi gương các bạn nước ngoài chống chiến tranh xâm lược ở VN như trong bài Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, viết tặng ca sĩ Peter Seeger trong mùa Giáng sinh 1969.

Sau khi đất nước thống nhất, Phạm Tuyên vẫn tiếp tục viết rất khỏe. Thời gian qua, ông có những sáng tác đáng chú ý như Khi ta có mặt trời chân lý (năm 1975, viết tặng học sinh - sinh viên Sài Gòn ngày đầu giải phóng, trong đoạn B ông phổ 4 câu thơ của Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…”), Gửi nắng cho em (thơ Bùi Văn Dung), Ngày thống nhất Bác đi thăm, Con kênh ta đào (thơ Bùi văn Dung), Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình)…

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản VN, tôi muốn trân trọng giới thiệu hai ca khúc bất hủ của Phạm Tuyên viết rất hay về Đảng. Từ lâu, ông có dịp đọc bài thơ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng của Aragon, một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bằng tiếng Pháp. Phạm Tuyên rất thích nội dung bài thơ này nhưng chưa có dịp chuyển thể thành ngôn ngữ âm nhạc, cho đến một ngày năm 1959, khi một cô cháu tặng ông bản tiếng Việt bài thơ trên do nhà thơ Tố Hữu dịch lời, thế là cảm xúc trong ông dâng trào để rồi sau một thời ngắn, ông hoàn thành ca khúc Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, phổ nhạc bản dịch của Tố Hữu: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Trước như tuổi thơ tôi nào biết được/Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông… Từ đấy lòng tôi sướng vui đau khổ/Và tình yêu, căm giận hóa lời ca…”.

Từ khi bài hát ra đời, với giai điệu tha thiết, tình cảm tin yêu, qua giọng hát đơn ca của các nghệ sĩ Quý Dương, rồi Trung Kiên… đã đến với rộng rãi quần chúng trong cả nước. Cách nay ít ngày, nhạc sĩ Phạm Tuyên có tâm sự với tôi: “Khi phổ nhạc bài thơ này, tôi thích nhất câu: Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà..., thể hiện sâu đậm tinh thần dân tộc của Đảng”.

Một năm sau đó, 1960, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Phạm Tuyên lại sáng tác một ca khúc nổi tiếng khác Đảng đã cho ta cả một mùa xuân. Ông nhớ lại câu nói nổi tiếng “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới” của Paul Vaillant Couturier, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị phát xít Đức ám hại trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng bất hủ trong câu nói của người đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác nên ca khúc nổi tiếng thứ hai về Đảng, theo nhịp valse 3/4 trong sáng, nhịp nhàng: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời… Bạn ơi, mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại với tôi: “Sau ngày giải phóng, tôi có gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tại TPHCM. Được biết tôi là tác giả bài hát Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, anh vui vẻ nhận xét đây là một bài ca chính luận nhưng rất lạ là giai điệu lại rất nhẹ nhàng và duyên dáng”. Quả đúng như vậy, đó là một trong những lý do vì sao ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, nhất là được giới trẻ ngày nay yêu thích.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục