Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nghệ sĩ như ống sáo của thời đại

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nghệ sĩ như ống sáo của thời đại

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nổi tiếng với nhiều ca khúc như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Về quê... Gần 10 năm qua, ông là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). PV Báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trò chuyện cùng ông.

- PV: Hồi đầu nhiều người đã ví Phó Đức Phương như chàng Đông Ki Sốt chiến đấu với Cối xay gió, khi nhạc sĩ đang nổi danh chuyển sang làm công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Chặng đường đã đi hẳn không suôn sẻ?

Nhạc sĩ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG: Khi tôi còn công tác ở Cục Nghệ thuật, nay  đổi là Cục Tổ chức biểu diễn, những năm 1980, đã thường đi dự họp với các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam về vấn đề này. Lúc ấy chuyện bản quyền tác giả đối với người Việt mình còn mơ hồ và có vẻ xa vời. Đến năm 2000, tôi và một số nhạc sĩ đã gửi bản kiến nghị tới lãnh đạo Nhà nước, đề nghị xem xét và giải quyết.

Tháng 4-2002, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chính thức được thành lập.

Ban đầu không ai tin một công việc như mò kim đáy bể lại có thể thành công được. Lại thêm nữa, khi ấy nước ta chưa tham gia Công ước Berne. Thực tế đời sống và hoạt động âm nhạc nước ta những năm đầu thế kỷ 21 vô vàn khó khăn. Nhưng tôi cho rằng có thể làm được, dựa trên 2 yếu tố: thứ nhất, giai đoạn chúng ta đang sống là thời đại của hội nhập quốc tế, do vậy có sự thúc bách, nếu không làm thì chúng ta đã tự loại mình ra khỏi cộng đồng thế giới...; thứ hai, cũng là vấn đề quan trọng nhất, tôi nghĩ, phải có người làm, phải có con người tác động vào để thay đổi nhận thức về vấn đề này. Thực tế hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong gần 10 năm hoạt động đã chứng minh điều đó là đúng. Năm 2009, Trung tâm thu được trên 23 tỷ tiền bản quyền, năm 2010 là 32 tỷ, dự kiến năm 2011 sẽ thu được trên dưới 42 tỷ.

- Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ nhận thấy đời sống âm nhạc hiện nay ra sao?

Ngày trước, ở khu vực phía Bắc hoạt động âm nhạc thông qua các đoàn nghệ thuật từ trung ương đến các tỉnh, rồi văn nghệ phong trào ở cơ sở. Song hành là hệ thống truyền thông của nhà nước như đài phát thanh sau này là truyền hình. Ngày nay hoạt động âm nhạc đa dạng, phong phú với nhiều kênh, nhiều phương tiện chuyển tải của nhà nước và tư nhân. Hành trình xã hội hóa và thị trường hóa của âm nhạc, đã khiến cho đời sống âm nhạc có nhiều sự phân hóa, phân tán thậm chí như nhiều người nói là sự khủng hoảng. Lẽ đương nhiên hệ quả của nó là sự hỗn loạn của đời sống âm nhạc. Những dòng nhạc thị trường, nhạc đáp ứng một thị hiếu nào đấy của một bộ phận hay nhiều lúc là số đông người nghe, người xem nhiều khi đã tạo ra những giá trị không thực, gây phản cảm đối với thẩm mỹ đúng đắn...

Sự tự tôn nhau lên mà không có thực chất, thực tài... đang có đất phát triển. Âm nhạc và đời sống âm nhạc gần như bị thả nổi, sự tự phát được dịp bung ra... do đó, tất yếu sẽ là sự xô bồ, hỗn loạn và kém chất lượng.

- Nhạc sĩ nghĩ gì về tình hình thiếu những sáng tác mới có chất lượng cao?

Đây cũng chính là vấn đề mà thế hệ nhạc sĩ chúng tôi quan tâm, trăn trở. Đời sống văn hóa của chúng ta đang bị khủng hoảng, phân tán mà âm nhạc cũng nằm trong quỹ đạo đó. Sáng tạo nghệ thuật dù bất cứ ở lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự hưng phấn, trong khi xã hội ta hiện nay lại có quá nhiều thứ làm giảm đi tấm lòng nhiệt huyết và sự phấn khích... Nói cho cùng cuộc sống là yếu tố quyết định. Nghệ sĩ chúng tôi như ống sáo của thời đại. Thời đại lộng gió thì tiếng sáo mới hay. Theo tôi, ngọn gió thời đại thổi vào tâm hồn các nghệ sĩ ra sao, như thế nào là rất quan trọng.

- Từ một nhạc sĩ đang sung sức trong sáng tác lại chuyển hướng đi làm “ông bản quyền” mà nhiều nơi không thích, thậm chí ngay tình bạn cũng sứt mẻ ít nhiều... Nhạc sĩ có suy nghĩ về điều này?

Sao lại không. Trước khi dấn thân vào “nghiệp” này tôi đã xác định là vô cùng khó khăn. Ấy thế mà có những khó khăn cũng không lường trước và hết được. Tôi và một nhà văn có tiếng đã tranh luận gay gắt về chuyện này.  Nhà văn đó nói đại ý, thế ông thích làm một ông giám đốc quyền tác giả không sáng tác được, luôn bị kêu ca, phàn nàn thậm chí còn bị chửi... hơn là một tác giả tên tuổi à...! Đúng thế. Nếu ai cũng nghĩ thế thì hôm nay làm gì có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, được tổ chức âm nhạc quốc tế thừa nhận, được nhiều người tin cậy... Quan điểm của tôi: Chất xám là tài nguyên quan trọng và quý giá nhất của một quốc gia, do đó phải biết bảo vệ và tái tạo. Ở những nước phát triển, từ lâu người ta đã biết cách bảo vệ, phát huy tài nguyên chất xám; và, chất xám quay trở lại phục vụ cho sự phát triển của đất nước họ.

Hoạt động bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc của tôi cũng chính là đang góp phần bảo vệ và bù đắp lại phần nào giá trị chất xám mà người nhạc sĩ đã bỏ ra, để có những tác phẩm âm nhạc. Đó cũng chính là sự kích thích lao động và tài năng, sự tái tạo chất xám, để có những tác phẩm âm nhạc để đời...

Tuy nhiên, những công việc mà chúng tôi làm được cũng mới chỉ khoảng một phần mười, và các tác giả cao tuổi có những tác phẩm hay của một thời vẫn còn nhiều thiệt thòi; bởi lẽ, một số khu vực có sử dụng các tác phẩm của các tác giả ấy vẫn chưa trả tác quyền xứng đáng.

Cao Minh

Tin cùng chuyên mục