Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi mê tường gạch, bờ ao, giếng nước...”

Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi mê tường gạch, bờ ao, giếng nước...”

Trở lại Hà Nội thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển nghệ thuật Phú Quang từ năm 2004, nhạc sĩ Phú Quang lúc đó rất hồ hởi với ý tưởng phát hiện và đào tạo các ca sĩ trẻ. Vậy mà ba năm qua vẫn chưa thấy anh “tung ra” gương mặt nào...

Từ bỏ ý định làm “bầu”

Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi mê tường gạch, bờ ao, giếng nước...” ảnh 1

Phú Quang với các thành viên nhóm Năm Dòng Kẻ và ca sĩ Ngọc Anh trong chuyến đi Mỹ.

- Tổ chức sô ca nhạc, mở nhà hàng và phòng trà ca nhạc…, xem ra công ty anh đang ăn nên làm ra?

- Tôi vẫn nói vui với anh em: công ty của chúng ta là “thờ-ri-mai-tòm”, có nghĩa: mỗi ngày đảm bảo mỗi người 3 gói mì tôm. Còn với các nhân viên nữ, tôi đùa rằng, làm ở chỗ anh, đủ cơm ăn ba bữa, quần áo mặc 8 tiếng, còn sau đó thì… tùy (cười vui)!

- Tên công ty bao hàm cả việc đào tạo ca sĩ nhưng có vẻ như anh không mặn mà với ý tưởng đó nữa?

- Tôi không có ý định làm “bầu” ca sĩ nữa. Tôi đã rút ra “định luật”: Khi chưa là gì cả thì ca sĩ cần mình. Lúc họ nổi tiếng rồi, chào nhau cũng rất khó.

- Vậy mà các chương trình biểu diễn ca nhạc, anh vẫn “gài” nhiều gương mặt mới?

- Có lần, tôi tổ chức chương trình ở Huế, mời ca sĩ người Huế là Minh Phượng. Cô vừa đệm piano vừa hát, khán giả vỗ tay ầm ầm. Quan trọng là tìm được người hát phù hợp chứ không nhất thiết phải là “sao”!

Tự hào vì  có quê hương

- Anh vừa được tổ chức từ thiện VNHelp tổ chức riêng chương trình tại Mỹ?

- Tôi là nhạc sĩ người Bắc đầu tiên nhận được lời mời của tổ chức VNHelp đến Mỹ biểu diễn. Hai đêm diễn trong chương trình Mùa thu cho em có sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Anh, nhóm Năm Dòng Kẻ, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ hải ngoại Thái Hòa và ban nhạc Phượng Hoàng ở Califonia.

Bên ấy có nhiều người vẫn chưa hiểu VN lắm. Vì vậy, trong những cuộc gặp gỡ với người hâm mộ và qua các cuộc giao lưu trên sân khấu, tôi đã phần nào giúp họ hiểu VN hơn.

- Một người kinh doanh giỏi như anh chắc không bỏ qua cơ hội… bán đĩa?

- Giờ giải lao 10-15 phút, như thông lệ, khán giả ùa ra xin chữ ký và mua đĩa nhạc. Chỉ riêng đĩa của tôi, mỗi buổi bán được hơn 100 đĩa và có nhiều người mang cả chồng đĩa đến xin chữ ký. Tuy nhiên, hai triệu Việt kiều ở Mỹ không thể là thị trường tiềm năng, trong nước, số lượng đĩa của tôi, trung bình mỗi tháng đã bán được hơn 1.000 đĩa.

- Ca khúc “Sinh nhật đen” anh để dành sang Mỹ biểu diễn?

- Bài này tôi viết cho tôi từ khá lâu rồi, bỗng dưng bên đó có người hỏi tôi về sinh nhật, thế là tôi... hát. Thật ra đấy là một cách đặt tên bài hát gắn với hoàn cảnh ra đời của nó. Tôi sinh ra vào lúc gia đình đang tản cư. Ba tháng sau khi sinh, mẹ tôi ra Ủy ban xã xin giấy khai sinh.

Ông cán bộ xã bảo rằng, ông chả biết tôi sinh ngày nào nhưng ngày mẹ tôi đi đăng ký là - 13-10-1949 nên đó là ngày sinh của tôi trong giấy khai sinh... Mẹ tôi phân trần nhưng ông cán bộ nói ngay: “Bà lấy giấy khai sinh hôm nay, hoặc chả khai sinh gì hết”. Sinh nhật của tôi vào tháng bảy, chả ai biết mà mừng, còn ngày sinh trong giấy tờ thì chẳng có ý nghĩa gì. Vì thế tôi đặt tên cho ca khúc là “Sinh nhật đen”.

- Các nghệ sĩ nổi tiếng ở VN sang đó thường được săn đón và hứa hẹn. Có ai đó rủ rê anh ở lại?

- Có nhiều người mời tôi ở lại. Tôi nói rất cám ơn các anh, chị nhưng tôi mang tâm hồn nông dân nên tôi thích ở VN hơn. Tôi mê tường gạch, bờ ao, giếng nước, cây mít… Các anh chị không có những cái đó. Có người giàu hơn tôi, có người không bằng tôi nhưng các anh, chị ở đây thua tôi một điều: tôi có quê hương.

HOÀNG GIANG

Tin cùng chuyên mục