Nhận biết và xử lý tình huống

Người dân tại ấp 2, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã trở về nhà sau sự cố rò rỉ khí tại một trạm chiết gas amoniac trực thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc. 
Lực lượng chức năng tại hiện trường xử lý vụ rò rỉ khí NH3 xảy ra vào ngày 10-10
Lực lượng chức năng tại hiện trường xử lý vụ rò rỉ khí NH3 xảy ra vào ngày 10-10
Điều đáng lo ngại là sự cố rò rỉ khí độc đã từng xảy ra trên địa bàn TPHCM nhưng ở mức độ nhỏ, không ảnh hưởng lớn như vụ lần này. 

Ngộ độc khí amoniac có thể gặp trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, bởi loại khí này được buôn bán, sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Việc xử trí không kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng về sức khỏe cho nạn nhân. 

Theo các chuyên gia về hóa chất, khí amoniac rất dễ nhận biết do có mùi khai đặc trưng, nồng nặc. Chia sẻ với báo chí, PGS-TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng, khi tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi, nồng độ của khí này sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về khí amoniac rất nguy hiểm do tốc độ lan rộng nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp. Một người vừa nhận thấy biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao. Người tiếp xúc với khí amoniac nồng độ thấp như ở các nhà vệ sinh công cộng cũng thấy cay mắt nhưng chưa tới mức ngộ độc. Tuy nhiên, nếu nồng độ tăng cao hơn một chút, amoniac sẽ tác động rất mạnh tới hệ thần kinh khiến nạn nhân rơi vào hôn mê, mất ý thức và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Cảnh sát PCCC TPHCM, khi phát hiện hoặc nghi ngờ có rò khí amoniac (với mùi khai đặc trưng), người dân nên nhanh chóng bịt mũi và chạy khỏi hiện trường càng xa càng tốt, đến nơi có vùng không khí trong lành. Dùng khăn ướt, khẩu trang hoặc khăn tay nhúng nước để bịt mũi cũng hạn chế nguy cơ hít phải khí độc.

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Đặng Vũ Thông, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy, đưa ra khuyến cáo: Khi bị tiếp xúc với lượng lớn khí amoniac, người dân nên nhanh chóng di chuyển ra xa. Nếu amoniac bị rò rỉ trong nhà, bạn hãy chạy ra ngoài. Nếu tai nạn về amoniac xảy ra ở bên ngoài, bạn hãy ở trong nhà, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, tắt máy điều hòa nhiệt độ. Tránh cởi áo qua đầu để hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Nếu có thể, áo chui đầu nên cắt bỏ. Bỏ quần áo vào túi nhựa và cột kín miệng túi để tránh gây nhiễm thêm cho bạn và những người khác. Để các túi này ở nơi an toàn, tránh xa mọi người, nhất là trẻ em. Rửa sạch amoniac dính trên da với xà phòng và nước; rửa mắt sạch với nhiều nước; tháo bỏ kính sát tròng, rửa kính sạch với xà phòng và nước trước khi đeo lại. Không dùng chất tẩy để rửa amoniac trên da.

Với những nạn nhân bị ngộ độc khí amoniac và có dấu hiệu thay đổi tri giác, khó thở… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Trường hợp nặng, nạn nhân bị ngất, ngưng tim, ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo tại chỗ; gọi 115 hoặc dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp; đồng thời, nhờ nhân viên y tế trực tổng đài hướng dẫn sơ cấp cứu, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

Tin cùng chuyên mục