Kỷ niệm 190 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 – 1-7-2012)

Nhân cách lớn: Đạo người

Nhân cách lớn: Đạo người

Đứng ở mũi đất Ba Tri (tỉnh Bến Tre) nghe biển ngoài kia vỗ sóng - sóng của âm vang lịch sử, sóng của phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19. Trên mũi đất Ba Tri, một nhà nghiên cứu lịch sử phương Tây sau ngày miền Nam giải phóng về thăm đã nói về Nguyễn Đình Chiểu: “Tôi nhìn thấy trên gương mặt lịch sử cuối thế kỷ 19 Việt Nam, gương mặt nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu vang lên hào khí đánh giặc, hào khí nhân cách làm người trên mũi đất lịch sử này”.

Chân dung cụ Đồ Chiểu

Chân dung cụ Đồ Chiểu

Vừa bước vào đời thì một tai họa giáng xuống, người thanh niên Nguyễn Đình Chiểu bị cướp mất đôi mắt. Bao nhiêu hy vọng, ước mơ của tuổi xuân để được “ven mây bắn nhạn” tưởng như tiêu tan. Nhưng không bao lâu từ tuổi xuân bất hạnh vang lên một chính khí, một tuyên ngôn về “Đạo người”. Đạo người là đạo làm người mà Nguyễn Đình Chiểu đi qua muôn trùng gian khổ để có được, làm thuốc trở thành thầy thuốc giỏi, viết sách về thuốc để lại đời, làm thầy mở trường dạy học sớm trở thành cụ Đồ Chiểu nổi tiếng có đạo cao đức dày. Nổi bật hơn, Nguyễn Đình Chiểu cầm bút sáng tác, viết truyện dài, viết hịch, làm thơ, viết văn tế khai sáng dòng văn chương chiến đấu cuối thế kỷ 19 Việt Nam “Súng giặc đất rền/lòng dân trời tỏ”.

Đó là vào cái hồi, ngai vàng đang rung chuyển bởi những mạch ngầm phong trào cứu nước. Chưa nói là cáo chung nhưng dấu hiệu rồng năm móng, ngọ môn quan, lời trịnh trọng sắc chỉ không còn đủ sức làm người ta ngưỡng vọng. Chính lúc ấy lòng người và nhân nghĩa từ trong tinh thần và nhân cách lớn Nguyễn Đình Chiểu sáng lên một lẽ phải “Chở đạo sáng một niềm tin trời đất” như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm người cùng thời đánh giá. Đấy là lúc chiếc tàu Tây như một con quái vật chạy thẳng vào cửa Đà Nẵng. Tiếng súng chưa nổ, vậy mà từ trong cái lòng chảo triều đình Huế kia, đèn bạch lạp, đèn lưu ly chập chờn lay lắc. Súng nổ từ tàu Tây bắn lên, mới chỉ luồng khói trắng đường cầu vồng ngang qua kinh kỳ mà trong cửa ngọ môn, một lũ mang hia, mão cánh chuồn thảng thốt, cuồng loạn.

Đấy là lúc cửa biển Cần Giờ, con quái vật tàu Tây không thể nằm ngang thách thức mà phải thả xuôi dò xét. Trong kia mảnh đất đang im lặng, vườn trái hai bờ rậm rịch, giấu mình đợi chờ của những nghĩa quân áo vải. Sau đó dũng cảm mở trận chiến đấu với tàu thiếc, tàu đồng, với ma tà ma ní. Lần đầu tiên, những bao tấu, bầu ngòi, tầm vông giết giặc. Cứ thế hình thành, nhen nhóm thành phong trào, thành bão táp - bão táp của lòng yêu nước, lòng căm thù cùng với lòng tri ân “Tấc đất, ngọn rau, ơn chúa”.

Ở vào cái thời, một bên đội quân thực dân xâm lược mặc áo Tây, cắp súng Tây chiếm đất. Một bên, những người nông dân hiền lành, thơm thảo, đứng trên đất vừa cày cấy, vừa dàn binh bố trận. Hai bên, hai trận tuyến, hai thế lực, hai cuộc giao tranh sống mái. Ai đó giữa dòng, chọn mạnh để theo, béo cò đục nước. Ai đó, vào luồn ra cúi, bán chó treo dê, văn bút trá hình. Một bên, giặc thì ăn tươi nuốt sống. Triều đình thì trâng tráo hèn nhát đầu hàng. Một bên, sĩ phu gan góc, sức yếu thế cô, phơi gan trải mật nhưng không sờn ý chí căm thù giặc.

Lịch sử thì như vậy tưởng cứ làm người ta tối mắt tối mũi, tưởng cứ làm ngơ ngác ngọn cờ, khó tìm ra một lối đi. Giữa lúc ấy, trong khoảnh khắc “phi thường lịch sử” Nguyễn Đình Chiểu lên tiếng gọi hướng về nhân dân, đi với nhân dân, tin vào dân, tin vào chính nghĩa, bền gan đánh giặc: “Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ/Cái ấn bình Tây đất vội chôn”. Đến khi cuộc thế đổi thay, bàn cờ trở nước, bản đồ sáu tỉnh an bài thì vẫn nhân cách sáng trưng Nguyễn Đình Chiểu, trong tay gậy trúc, lánh đục tìm trong tỵ địa. Tỵ địa với người là chọn chính nghĩa để trụ, chọn đất lành để ở, chọn lòng người để sống, đi tới với phong trào. Chính trên đất mũi Ba Tri này Nguyễn Đình Chiểu từ chối mọi mua chuộc, cám dỗ để có nghĩa cả chí cao, để giữ lòng trong sáng cho ngòi bút đâm gian trừ bạo đến hơi thở cuối cùng.

Đám tang cụ Đồ Chiểu trên cánh đồng An Bình Đông trắng xóa khăn tang của cháu con, của môn đệ, của thân chủ xa gần, của nghĩa quân tướng lĩnh và đông đảo đồng bào. Ngàn ngàn người cùng với ngàn ngàn ánh đuốc lá dừa thắp sáng và hương khói rực lên một nhân cách lớn, nhân cách Nguyễn Đình Chiểu.

Đạo làm người đặt cho Đồ Chiểu thế đứng, khẳng định chỗ đứng nhà thơ và nhân cách hành động của người chiến sĩ dưới cờ nghĩa. Bắt đầu từ đó ông đi tới, một cuộc đi không chệch hướng, không chệch mục tiêu, đạt đến cao cả “chở đạo”, “đâm gian”, “trừ bạo”.

Trúc Chi

Tin cùng chuyên mục