Nhân dân làm phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Những hình ảnh vô cùng xúc động của lễ quốc tang, của những dòng người đến viếng Đại tướng, đã trở thành một phần của lịch sử dựng xây và bảo vệ Tổ quốc và cần được gìn giữ, trân trọng cho mai sau. Tạp chí Điện ảnh Việt Nam đã khởi xướng dự án làm bộ phim tài liệu Vị tướng của nhân dân do NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga viết kịch bản và đạo diễn với kinh phí làm phim dự kiến khoảng hơn 600 triệu đồng, do nhân dân đóng góp.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Những hình ảnh vô cùng xúc động của lễ quốc tang, của những dòng người đến viếng Đại tướng, đã trở thành một phần của lịch sử dựng xây và bảo vệ Tổ quốc và cần được gìn giữ, trân trọng cho mai sau. Tạp chí Điện ảnh Việt Nam đã khởi xướng dự án làm bộ phim tài liệu Vị tướng của nhân dân do NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga viết kịch bản và đạo diễn với kinh phí làm phim dự kiến khoảng hơn 600 triệu đồng, do nhân dân đóng góp.

Khác với hàng chục bộ phim đã làm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vị tướng của nhân dân là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không sử dụng ngân sách nhà nước, mà dựa vào sự chung tay ủng hộ của người dân Việt Nam có tấm lòng tôn kính Đại tướng.

Nhà báo Bùi Thế Vịnh, Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam, cho biết bộ phim tài liệu đặc biệt này dài 50 phút, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào và chiến sĩ cả nước trước sự ra đi của đại tướng, cũng là để tỏ lòng tri ân với Đại tướng và các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước.

Theo NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga, Vị tướng của nhân dân khắc họa tình cảm nhân dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng những hình ảnh chân thực trên khắp dọc dài đất nước, trên những vùng đất Đại tướng đã đi qua, từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Điện Biên, Huế, Cà Mau, TPHCM, Hà Nội... rồi trở về quê hương của Đại tướng ở Quảng Bình.

Phim sẽ gặp gỡ những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ chính khách, trí thức, cựu chiến binh, học sinh đến nông dân... để lắng nghe tình cảm thân thương, sâu nặng của họ dành cho vị Đại tướng mà họ yêu kính. Như nhà sử học Dương Trung Quốc đã tâm sự, sự ra đi của Đại tướng không những làm cho toàn bộ người dân Việt tiếc thương mà còn có tác dụng thức tỉnh lương tri trong tình hình xã hội hiện nay.

Các nhà sản xuất mong muốn phim sẽ kết theo hướng mở, như một sự gửi gắm tin yêu, hy vọng vào thế hệ trẻ, những con người sẽ tiếp nối truyền thống của Đại tướng, để xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình và phát triển.

Đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong khối hình ảnh tư liệu khổng lồ về Đại tướng, việc lựa chọn hình ảnh vừa mang tính khái quát, lại đặc sắc, đang là vấn đề khiến ê kíp làm phim tập trung thời gian và tâm lực. Bên cạnh đó, ê kíp của phim cũng lựa chọn nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc làm nhạc cho bộ phim, nhằm mang lại hiệu quả cao qua việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc vốn đã quen thuộc với khán giả, như Hồn tử sĩ, Giải phóng Điện Biên, Quảng Bình quê ta ơi… mang lại cảm xúc chân thực cho người xem.

Trong quá trình thực hiện tác phẩm điện ảnh này, ê kíp làm phim đã nhận được rất nhiều đóng góp của người dân trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài. Từ khi khởi động đến nay đã có trên 100 cá nhân và tập thể ủng hộ cho việc xây dựng bộ phim Vị tướng của nhân dân. Trong số đó, có nhiều người là bộ đội, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, sinh viên, học sinh và lái xe ôm, taxi…

Vị tướng của nhân dân sẽ là một bộ phim đong đầy cảm xúc, vì được xây dựng từ tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với vị tướng kính yêu.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục