Quản lý nguồn nước, chống ngập là một trong những công tác trọng tâm của TPHCM trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mặc những nỗ lực của ngành chức năng trong nhiệm vụ này, nhưng tình trạng ngập ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều điểm ngập mới liên tục phát sinh… Nhận diện các điểm ngập ở thành phố cũng là một cách hay để lý giải tình trạng này.
Ba loại... ngập
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM cho rằng, TPHCM có ba loại… ngập. Loại ngập thứ nhất là ngập… thật sự, tức chỉ cần có những cơn mưa từ 40mm-50mm trở lên là đã có thể ngập. Đây là hậu quả của quá trình phát triển đô thị thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát chưa chặt chẽ trong gần 10 năm trở lại đây. Những điểm ngập thật sự tập trung chủ yếu ở lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm với khoảng 20 điểm, lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 5-7 điểm… thuộc địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 6… những nơi đã và đang có tốc độ đô thị hóa rất cao.
Trong quá trình đô thị hóa này, hàng loạt kênh, rạch đã bị san lấp, nhiều vùng đất trống đã bị các công trình xây dựng chiếm chỗ. Đã vậy, hệ thống cống thoát nước ở đây đa phần lại cũ kỹ, quá tải, nhiều nơi còn hoàn toàn không có. Ước tính số lượng điểm ngập loại này chiếm đến gần 1/2 số lượng điểm ngập trên toàn địa bàn thành phố (gần 100 điểm).
Loại thứ hai là những điểm ngập phát sinh do thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật làm bít mất lối thoát nước. Loại này tạo hiệu ứng xã hội xấu, làm người dân nghi ngờ về hiệu quả chống ngập và công tác điều hành thi công các công trình hạ tầng của thành phố nhưng giải quyết tương đối dễ dàng. Đơn cử như khu vực quận Tân Phú, tại khu vực thi công của một số dự án chỉnh trang đô thị, những cơn mưa trung tuần tháng 4-2011 đã làm phát sinh thêm 12 điểm ngập.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Chống ngập thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM cho biết, trung tâm đã nhanh chóng xác định được lý do gây ngập và đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị thi công khơi lại dòng chảy. Cho đến thời điểm này, 12 điểm ngập đều đã được xử lý xong. Cả 12 điểm đều chưa có dấu hiệu… tái ngập.
Loại ngập thứ ba là những điểm ngập mới đang tiếp tục… phát sinh do những bất cập trong công tác quản lý đô thị. Những điểm ngập mới này tập trung ở các quận, huyện ven như quận 7, quận 9, quận 12… những khu vực mà thời gian gần đây (từ khoảng 2007 - 2008) bắt đầu tiến trình đô thị hóa rất mạnh mẽ. Đáng lo ngại là những điểm ngập như vậy đang có xu hướng gia tăng về số lượng lẫn thời gian ngập cũng như mức độ ngập.
Cụ thể hóa công tác chống ngập
Chống ngập là một trong những công tác xây dựng và quản lý đô thị đòi hỏi có nhiều giải pháp cũng như thời gian, kinh phí và nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa mọi thứ sẽ rất chung chung mà ngược lại, công tác chống ngập phải được cụ thể hóa đến từng ngành, từng cấp, từng địa phương, thậm chí đến từng người dân thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, đối với loại ngập thứ nhất, điều thuận lợi là đa phần đã có dự án xử lý.
Tại lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, dự án Nâng cấp đô thị đang được triển khai. Dự án hoàn thành sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và chống ngập cho cả lưu vực. Hiện một số hạng mục lắp đặt cống thoát nước mới đã hoàn tất được khoảng 50% khối lượng công việc. Tuy nhiên, tình trạng ngập ở đây vẫn nặng nề là do kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nơi thu nước thoát chính cho cả khu vực chưa được nạo vét. Lòng kênh nhiều nơi chỉ còn rộng khoảng một nửa so với trước kia. Lãnh đạo TPHCM cùng các sở, ngành liên quan đã tập trung khá nhiều sức lực cho dự án này song vướng mắc lớn nhất ở đây chính là công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ công tác nạo vét kênh. Việc này chưa được triển khai mạnh vì thành phố chưa đủ kinh phí và nhà tái định cư cho dân. Như vậy, vấn đề đối với việc xử lý ngập ở đây là thu xếp nguồn vốn và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây nhà tái định cư, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Như đã nói ở trên, loại ngập thứ hai xử lý tương đối dễ dàng. Thế nhưng cũng có một vướng mắc: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM không thể trực tiếp xử lý các đơn vị thi công tắc trách mà chỉ có thể kiến nghị lên các cơ quan quản lý chuyên ngành. Đơn cử, nếu đơn vị đào đường làm nghẽn cống thoát nước, trung tâm phải kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xử lý. Điều đó, đôi khi làm mất thời gian. Vì thế, giải pháp trong vấn đề này là một cơ chế phối hợp làm việc nhanh gọn, hiệu quả.
Không thiếu giải pháp chống ngập Theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, TPHCM không thiếu các giải pháp chống ngập. Rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia hiến kế cho thành phố và kinh nghiệm phát triển đô thị của nhiều nước trên thế giới đã cho thành phố những bài học hay trong công tác chống ngập. Vấn đề còn lại là một quyết tâm mạnh mẽ, một sự đầu tư thỏa đáng cho công tác này. |
Loại ngập thứ ba “khó trị” nhất bởi mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác quản lý phát triển đô thị ở các quận, huyện ven vẫn còn nhiều bất cập. Điều khó khăn hơn nữa là kinh phí chống ngập, xây dựng hệ thống thoát nước mới chưa biết… tìm đâu ra. TPHCM có quy định chủ đầu tư khu dân cư mới, khu đô thị mới phải xây dựng hệ thống thoát nước nhưng nếu có, đó cũng chỉ là hệ thống thoát nước cục bộ cho từng khu, chưa phải hệ thống thoát nước chung cho cả khu vực.
Đã thế, công tác xã hội hóa chống ngập lại không hấp dẫn các nhà đầu tư tương tự một số lĩnh vực khác như làm cầu đường, xây nhà máy cấp nước… Lý do khá đơn giản, xây hệ thống thoát nước, nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn bằng cách thu phí thoát nước như thu phí giao thông… Theo Sở Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thoát nước, đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho thành phố. Đa phần dự án thoát nước lớn đều “trông chờ” vào các nguồn vốn ODA trong khi đó các nguồn vốn này đang ngày một… “nhỏ lại”.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay TPHCM có khoảng 1.900km đường cống thoát nước các loại, phân bố chủ yếu trong các quận nội thành. Khoảng 50% trong số này đã cũ kỹ, quá tải. Để thay mới số cống cũ và xây thêm cống mới cho các quận, huyện ngoại thành đồng thời với việc lắp đặt phay ngăn triều, làm đê… TPHCM cần số tiền lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, mặc dù đã hết sức cân đối song mỗi năm TPHCM chỉ có thể dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho công tác này. Trước thực tế ấy, giải pháp hay nhất, khả thi nhất là không để phát sinh thêm… điểm ngập. Kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, nếu mỗi ngành, mỗi người góp “một tay” thì việc chống ngập sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi kể chuyện, người Nhật rất thận trọng trong công tác làm quy hoạch, phát triển đô thị. Họ luôn tính toán kỹ các không gian “dành” cho nước. Trong bất cứ công trình xây dựng nào, người Nhật đều tính đến hướng thoát nước cho lượng nước chảy tràn phát sinh khi công trình “mọc lên” bịt mất hướng thấm xuống đất của nước. Nhiều công viên, thậm chí cả các dải phân cách trên đường cũng được tính toán làm thấp hơn mặt đường để khi mưa, tạm thời làm nơi trữ nước…
Chính những giải pháp tưởng chừng rất nhỏ này sẽ góp phần rất lớn trong công tác chống ngập bởi chúng là giải pháp linh hoạt nhất, dễ thực hiện nhất. Tất nhiên, các dự án lớn, các giải pháp quy mô có những tác dụng riêng, không thể phủ nhận song nếu thiếu các giải pháp linh hoạt thì công tác chống ngập sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp như hiện nay, các giải pháp kỹ thuật sẽ rất dễ bị lạc hậu khi thời tiết thay đổi.
NGUYỄN KHOA