Trong cuộc sống con người cũng như trong đời sống xã hội luôn có hai vấn đề có tính quy luật song hành: Bổ sung những cái thiếu, cắt đi những cái thừa.
Về vấn đề bổ sung những cái thiếu, có lẽ không cần bàn luận nhiều, bởi đó là nhu cầu hiện hữu rất rõ ràng, cụ thể. Với việc cắt đi những cái thừa có cái dễ nhận ra, có cái khó thấy. Và ngay cả những cái thừa thấy rất rõ, gây lãng phí rất lớn nhưng việc cắt đi cũng không dễ dàng chút nào. Xin đơn cử một số ví dụ.
Vừa qua, Báo Tiền Phong đưa tin lãng phí các điểm thông tin du lịch ở Hà Nội. Tin cho biết có nhiều bốt thông tin du lịch ở khu vực quanh hồ Gươm không hề có tác dụng đối với khách du lịch. Do vị trí, cho cách trình bày các bốt này không tiện lợi cho người sử dụng. Chính vì vậy, các bốt thông tin du lịch bị nắng mưa, thời gian tàn phá trông như một phế tích, một phế thải làm xấu cảnh quan xung quanh. Không biết những người có trách nhiệm dựng nên có khi nào kiểm tra hiệu quả của các bốt đó đối với hoạt động du lịch. Không kiểm tra đáng trách một. Kiểm tra mà vẫn cứ để sự dư thừa lãng phí ấy còn đáng trách hai.
Trong vận động phát triển của đời sống xã hội, có nhiều điều khi mới sinh ra rất tốt đẹp, rất lợi ích. Ví như ở một số xã nông thôn xây dựng nhà bưu điện văn hóa.
Ở những vùng quê còn nghèo khó đời sống văn hóa tinh thần thiếu thốn, có được một điểm bưu điện văn hóa để người dân đến đọc sách báo nâng cao kiến thức là điều cần thiết. Thế nhưng, như người ta thường nói, có “sinh” không “dưỡng” làm sao sống nổi. Đài Truyền hình VN đưa tin một số điểm bưu điện văn hóa ở thôn quê không có tác dụng gì cho đời sống người dân. Sách báo nghèo nàn ít ỏi, người dân không đến là chuyện đương nhiên. Sự dư thừa này đã tồn tại nhiều năm vẫn không thấy ai có trách nhiệm xử lý. Mức độ dư thừa ở các bốt thông tin du lịch Hà Nội hay điểm bưu điện văn hóa thôn quê chỉ là sự thừa thãi gây “nhức mắt”, có thể coi như chuyện nhỏ.
Nhưng trong xã hội, hiện tại có không ít những sự dư thừa gây lãng phí lớn thậm chí rất lớn vẫn chưa được nhìn ra, xử lý, điều chỉnh. Sự dư thừa bị bưng bít trong đất công gây lãng phí lớn, nhiều thủ tục văn bản hành chính thừa gây khó khăn cho đời sống người dân cho hoạt động sản xuất kinh doanh... là những cái thừa phải nhanh chóng được nhận diện và xử lý...
Trong cơ thể con người có khúc ruột thừa. Cắt sớm cũng được, không cắt cũng chẳng sao. Nhưng khi ruột thừa viêm nhiễm, nhất thiết phải cắt. Lại nữa, trong người ta cũng như trong đời sống xã hội, nhận diện cái thiếu rất dễ, nhìn ra cái thừa rất khó. Trong dân gian lại có tâm lý thừa còn hơn thiếu nên rất dễ có thói quen dung dưỡng cái thừa.
Thực tế cho thấy, hầu hết những cái dư thừa gây lãng phí đều bộc lộ rõ sự yếu kém trong khâu quản lý, sự thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra và sự thờ ơ với của công... Dư thừa bình thường chỉ cắt đi là xong. Nhưng dư thừa gây lãng phí, gây tổn hại tới lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia nhất thiết phải được xử lý nghiêm minh.
Hoàng Tân