Nhân lực ngành kiến trúc - xây dựng vừa thừa, vừa thiếu

Những năm gần đây, cùng với khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành kiến trúc - xây dựng tạm ngưng hoặc ngưng hoạt động. Điều đó kéo theo trong các năm 2012 - 2014, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này giảm gần 50% so với 3 năm liền kề trước đó. Tỷ lệ người lao động trong ngành kiến trúc - xây dựng thất nghiệp cũng khá cao. Số chỗ làm việc trống chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tìm việc làm của người lao động ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Sự chênh lệch giữa cung - cầu vẫn diễn ra khi mà chất lượng, số lượng, cơ cấu đào tạo chưa cân đối và số lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất cũng như tái cơ cấu bộ máy nhân sự nên đưa ra những yêu cầu cao hơn đối với nguồn cung lao động trên địa bàn TPHCM. Thực trạng thị trường lao động ngành kiến trúc - xây dựng những năm gần đây tại TP luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu và trình độ nghề chuyên môn lành nghề và nhân lực.

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP, cơ cấu nguồn nhân lực của ngành (tỷ lệ cơ cấu kỹ sư, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân học nghề) là 1:1:3; trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trên thế giới là 1:4:10. Với tỷ lệ này, ngành kiến trúc, xây dựng cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang tồn tại tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Theo đánh giá, việc tổ chức đào tạo ở các cấp học, bậc học còn nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa thực sự gắn bó với nhu cầu sử dụng, với tiến bộ khoa học công nghệ và công việc thực tế mà người học khi ra trường phải đảm nhận. Hệ quả là khi ra trường người học phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với công việc, không ít trường hợp đơn vị sử dụng phải đào tạo bổ sung, đào tạo lại...

Kiến trúc - xây dựng là ngành thu hút nhiều nhân lực, chiếm 4% (khoảng 11.000 người/năm) tổng nhu cầu nhân lực mỗi năm của TP. Cuối năm 2015, sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm... Đương nhiên, tính cạnh tranh nhân lực sẽ rõ nét hơn và điều này đặt ra yêu cầu phát triển nhân lực TP nói chung và nhân lực ngành kiến trúc - xây dựng nói riêng là phải thỏa mãn 3 yếu tố cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao: kỹ năng (bằng cấp chứng chỉ và trình độ chuyên môn), ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cấp thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực ngành kiến trúc - xây dựng có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý.

TRẦN ANH TUẤN
(Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)

Tin cùng chuyên mục