Để giảm chi phí xử lý rác thải sinh hoạt, tiết kiệm tài nguyên cho TPHCM, nhiều năm qua thành phố đã triển khai chương trình “Khu phố không rác” tại các quận, huyện nhằm khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn (PLRTN) bảo vệ môi trường. Bằng những hoạt động cụ thể, nhiều khu phố đã và đang triển khai thực hiện “Khu phố không rác” rất thành công. Thực hiện hiệu quả chương trình “Khu phố không rác” không những giúp cho thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp, mà còn giúp cho chính người dân có được môi trường sống trong lành.
Tình nguyện viên tư vấn cho người dân về những lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn
Những khu phố kiểu mẫu
Bà Chu Thị Trọng, Trưởng ban điều hành khu phố 2, phường Thảo Điền, quận 2, cho biết, khu phố 2 đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động giúp bà con nhân dân trong toàn khu phố hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người, vì sự phát triển của xã hội, nhằm tạo thói quen tốt trong sinh hoạt của người dân, thực hiện tốt cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị” do thành phố phát động. Đồng thời, quán triệt nhân dân trên địa bàn thống nhất hành động về công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và trách nhiệm của người dân nhằm xóa bỏ những thói quen, tập quán cũ, lạc hậu, tạo thói quen nếp sống mới. Ngoài ra, cũng vận động 100% hộ dân trên địa bàn khu phố sử dụng thùng rác có nắp đậy; vận động nhân dân thực hiện 100% các tuyến đường được trồng cây xanh, đăng ký bảo vệ cây xanh; hàng tháng tổ chức ra quân nạo vét kênh rạch, dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, kêu gọi người dân không vứt rác, xác động vật xuống kênh gây ô nhiễm môi trường.
Đại diện khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân cũng cho biết, tình hình phát triển dân số cơ học trên địa bàn khu phố ngày càng đông kéo theo sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân ngày càng cao. Nhu cầu sinh hoạt, mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng lớn nên đã xảy ra tình trạng xả rác, vứt rác bừa bãi, đổ nước thải ra đường tại một số khu vực gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, ban vận động khu phố đã tập trung và thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là đối với một số hộ gia đình có kinh doanh mua bán nhỏ trong khu vực. Vào buổi tối và sáng mỗi ngày, ban vận động khu phố đều phân công từ 1 đến 3 người trong lực lượng khu phố đi kiểm tra tại các tuyến đường, hẻm trong khu dân cư. Một mặt để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ.
Ông Đinh Thế Hưng, Trưởng ban điều hành khu phố 2, phường 5, quận 6 cũng chia sẻ, đa số các hộ dân trong khu phố thuộc thành phần lao động phổ thông, trình độ dân trí còn thấp. Do đó, việc thực hiện giao rác đúng giờ của người dân tại khu vực chưa được đồng bộ, đa phần người dân mang rác ra để phía trước nhà vào nhiều thời điểm theo nhu cầu sinh hoạt của mỗi hộ. Từ đó, dẫn đến tình trạng các con hẻm, thậm chí phía mặt tiền đường vẫn còn tồn đọng rác sau khi đơn vị thu gom rác thực hiện thu gom. Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của quận về thống nhất giờ thu gom rác, dưới sự hỗ trợ của UBND phường, ban vận động khu phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao rác cho đơn vị thu gom theo đúng thời gian quy định. Định kỳ hàng tháng, ban vận động khu phố vẫn duy trì công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp khu phố, tổ dân phố. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân, các đơn vị thu gom chưa thực hiện giao nhận rác đúng thời gian đã thống nhất. Đối với các trường hợp không thực hiện tốt việc này, ban vận động khu phố sẽ lập danh sách gửi UBND phường để có biện pháp xử lý nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc giao nhận rác đúng giờ.
Nâng cao hơn nữa nhận thức cho cộng đồng
Theo nhiều ý kiến, nếu PLRTN được thực hiện tốt sẽ giảm lượng chất thải rắn tại các bãi chôn lấp; giảm chi phí xử lý chất thải rắn; nâng cao hiệu quả tái sinh năng lượng và sản xuất phân hữu cơ compost; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và làm giảm tác động tới môi trường. Xác định việc huy động sự tham gia của cộng đồng là giải pháp quan trọng mang lại sự thành công của chương trình, do đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục nhận thức cho cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Làm sao cho người dân thấy được những lợi ích khi tham gia chương trình. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn và hướng dẫn cụ thể các quy trình phân loại cho người dân. Tránh thực hiện theo hình thức hô hào khẩu hiệu. Phải trực tiếp động viên, khuyến khích người dân tham gia. Không dừng lại ở đó, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đặc biệt, các đơn vị thu gom chất thải phải có trách nhiệm thu gom đúng quy trình, đúng thời gian quy định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, để giảm áp lực trong xử lý môi trường, thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân và để tận dụng giá trị kinh tế của loại chất thải hữu cơ, từ những năm 2000, TPHCM đã thí điểm triển khai chương trình “Khu phố không rác” trên khắp địa bàn của thành phố. Đây là chủ trương đúng của thành phố để chuẩn bị cho sự vận hành của một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai. Để phát huy hiệu quả của chương trình “Khu phố không rác”, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải. Công tác tuyên truyền về PLRTN cũng cần được thực hiện liên tục và bằng nhiều hình thức, giải quyết lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là người dân.
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các chương trình khác có liên quan chương trình thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt và chương trình đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt. Điều đặc biệt, chúng ta cần phải kiên trì, bám sát địa bàn để tìm hiểu nguyện vọng, yêu cầu của người dân, từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân đồng thuận tham gia.
MINH HẢI