Nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn

Quá trình 30 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, từ thực tiễn sinh động ở các địa phương và ở từng thời kỳ phát triển đã xuất hiện 8 mối quan hệ lớn - được Đảng ta nhận thức và nêu lên, để tập trung giải quyết tốt trong thực tiễn xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong những năm tới…
Nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn

Quá trình 30 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, từ thực tiễn sinh động ở các địa phương và ở từng thời kỳ phát triển đã xuất hiện 8 mối quan hệ lớn - được Đảng ta nhận thức và nêu lên, để tập trung giải quyết tốt trong thực tiễn xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong những năm tới…

Nhận thức chưa đầy đủ mâu thuẫn trong các mối quan hệ

Đó là đúc kết của nhóm nghiên cứu Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra từ tổng kết thực tiễn và lý luận về 8 mối quan hệ lớn của quá trình 30 năm đổi mới ở nước ta. 8 mối quan hệ gồm: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển (quan hệ 1); giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị (quan hệ 2); giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN (quan hệ 3); giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN (quan hệ 4); giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (quan hệ 5); giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN (quan hệ 6); giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế (quan hệ 7) và giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ (quan hệ 8).

Hàng hóa tấp nập đến TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Về những tác động của việc thực hiện các mối quan hệ lớn trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những luận giải khá vững chắc, đi từ những tiêu chí lợi ích và sự phát triển đất nước. Trong đó, quan hệ giữa đổi mới với ổn định và phát triển (quan hệ 1) tuy có nhận thức đúng nhưng thực hiện trong thực tế có không ít bất cập. Đáng chú ý, như GS-TS Lê Hữu Nghĩa đề cập: “Trong thực tiễn, sự hình thành và tác động của “lợi ích nhóm”, đã cản trở đổi mới, làm cho việc giải quyết mối quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển bị lệch lạc”. Tương tự, trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị (quan hệ 2), dù có nhận thức đúng trong thực tế, song việc triển khai đổi mới chính trị có mặt chưa thật đồng bộ với đổi mới kinh tế. Đây là vấn đề cốt lõi nằm trong quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển mà Đại hội Đảng lần thứ XII phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng để đưa ra những giải pháp đẩy mạnh tiến trình đổi mới chính trị theo hướng thận trọng, toàn diện và phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.

Đối với các mối quan hệ còn lại, đáng chú ý ở mối quan hệ 3 giữa kinh tế thị trường với định hướng XHCN và quan hệ 5 giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đều có những nhận thức rất đúng đắn và thực hiện với nhiều thành công. Song, mặt trái và những hạn chế trong mối quan hệ 5 lại bộc lộ khá gay gắt từ nhận thức đến các chính sách và năng lực quản lý. Từ đó dẫn đến hệ lụy xã hội của kinh tế thị trường và những phân hóa trong xã hội gia tăng; các vấn đề xã hội bức xúc chậm giải quyết; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm giàu bất chính chậm phát hiện và xử lý không nghiêm… đã gây tổn hại tới lợi ích chung và niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với chế độ.

Giải pháp nào?

Đây là câu hỏi lớn được đặt ra trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang hướng đến Đại hội lần thứ XII của Đảng. Với tiêu đề: “Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các mối quan hệ lớn trong đổi mới và phát triển”, GS-TS Lê Hữu Nghĩa và nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra nhóm 5 giải pháp khá cơ bản và toàn diện. Đó là, tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ về nhận thức các mối quan hệ và sự liên hệ hữu cơ, nội tại của các quan hệ đó. Cần đi sâu nhận thức bản chất của các mối quan hệ, với quan điểm phức hợp, với tư duy hệ thống, chú trọng liên kết các quan điểm, các quan hệ trong hệ thống mà cốt lõi là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Nhận thức sâu sắc các mối quan hệ làm cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nhân dân mang tính tự giác, chủ động, nâng cao ý thức và trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, khắc phục tính biệt lập, chia cắt, chỉ thấy lợi ích riêng, trước mắt của ngành mình, địa phương mình mà xem nhẹ lợi ích chung, sự nghiệp chung. Củng cố, giữ vững phương hướng chính trị, không để xảy ra những sai lầm chính trị trong các quyết sách và chính sách. Coi trọng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, thực sự giải phóng mọi tiềm năng của cá nhân và tổ chức, khuyến khích tự do sáng tạo, lấy đó làm động lực để đột phá lý luận về đổi mới, về CNXH nói chung. Tiếp tục đổi mới chính trị thực sự có hiệu quả, có tác dụng tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Có chiến lược và sách lược đúng đắn, linh hoạt trong quan hệ quốc tế, trong đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao song phương, đa phương của Nhà nước. Phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng sống, đảm bảo an toàn cho cá nhân và cộng đồng.

" Đổi mới ở Việt Nam là sự gặp gỡ tự nhiên, tất yếu giữa ý Đảng và lòng dân. Đây là sự thống nhất, đồng thuận lớn nhất và quan trọng nhất giúp chúng ta nhận biết và giải quyết tốt các mối quan hệ hướng tới dân, vì dân, vì sự phát triển của dân tộc và đất nước…"

GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương


Quá trình nghiên cứu sự phát triển các mối quan hệ cho thấy, nhận thức của chúng ta về các mối quan hệ lớn còn chậm, đi sau thực tiễn. Nguyên nhân sâu xa là do nghiên cứu lý luận, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, nhận thức và thực hiện các mối quan hệ này chưa có sự gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu với cơ quan chỉ đạo điều hành, hoạch định và đánh giá chính sách. Từ đó, GS-TS Lê Hữu Nghĩa cho rằng, xét về tính thực tiễn của 30 năm đổi mới, có thể thấy rõ bên cạnh những nhận thức lý luận còn nguyên giá trị thì còn có những nhận thức lý luận cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hoặc phải điều chỉnh, thay đổi.

Hoài Nam

>> Quản lý, phát triển xã hội trong thế giới hội nhập

Tin cùng chuyên mục