Quản lý, phát triển xã hội trong thế giới hội nhập

Trong các chuyên đề nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, vấn đề phương thức quản lý phát triển xã hội được các nhà khoa học đưa ra đánh giá: “Mục tiêu, chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước. Coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội là coi trọng nhân tố con người, vì sự phát triển của con người…”.
Quản lý, phát triển xã hội trong thế giới hội nhập

Trong các chuyên đề nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, vấn đề phương thức quản lý phát triển xã hội được các nhà khoa học đưa ra đánh giá: “Mục tiêu, chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước. Coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội là coi trọng nhân tố con người, vì sự phát triển của con người…”.

Những chung cư khang trang mọc lên bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thay đổi diện mạo đô thị và nâng chất lượng sống của người dân. Ảnh: Việt Dũng

Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thực tiễn 30 năm đổi mới đã làm sáng rõ hơn luận điểm và nhận thức của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện và tiền đề vật chất để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội phải được kết hợp ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển; phải thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước…

Về thực tiễn, cuối năm 2005, sau khi cơ bản hoàn thành các mục tiêu của chương trình “5 không (không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma túy, không giết người cướp của), thành phố Đà Nẵng tiến tới thực hiện một loạt chính sách “3 có” (có việc làm, có nhà ở và có lối sống văn minh đô thị). Đến năm 2010, mục tiêu của 2 chương trình trên cơ bản hoàn thành. Khi bắt đầu triển khai các chương trình này, nhiều địa phương và ngay cả người dân thành phố biển Đà Nẵng có người cho rằng là chuyện “không tưởng”, vì muốn thực hiện được phải có các chính sách xã hội cụ thể, có nguồn lực và có con người để tổ chức thực hiện. Đó là những vấn đề mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đề ra và chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều chính sách phát triển, an sinh xã hội. Kiên trì vận động, thuyết phục dân và kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, hơn 5 năm sau, thành phố Đà Nẵng hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.

Tại Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều địa phương báo cáo đã hoàn thành rất nhiều chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội, dân sinh, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các mục tiêu phát triển này cũng được nhiều địa phương tiếp tục xác định với những nội dung, phương thức thực hiện sát hơn với thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, TPHCM đề ra mục tiêu: “Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Mục tiêu này đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa của phát triển kinh tế gắn chặt với yếu tố xã hội, phục vụ và giải quyết các mối quan hệ trong xã hội phát triển, cũng như phát huy những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh

 

* Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước với gần 50% tổng chi an sinh xã hội; mức hỗ trợ còn thấp, sử dụng nguồn lực còn manh mún, dàn trải, chồng chéo; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa nghiêm, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa chặt chẽ, phân công trách nhiệm không rõ; thiếu thể chế và thiết chế để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất.

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

Đánh giá của các địa phương về những thành tựu đạt được 30 năm đổi mới cho thấy, việc giải quyết các vấn đề xã hội đã có nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đã mở rộng hơn quyền và mức hưởng các chế độ ưu đãi, phúc lợi xã hội, an sinh cho người dân. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát hiện xã hội cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch. Qua đó, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện. Các chính sách khác như lao động, việc làm, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đãi ngộ người có công…  cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm, góp phần tạo sự công bằng trong thụ hưởng các tiến bộ và phát triển xã hội mang lại.

Thế nhưng, trong vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém mà thực tiễn đã bộc lộ và nếu không được khắc phục sẽ tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến hội nhập quốc tế. Trong đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu ra: Đó là, việc triển khai các chính sách xã hội chưa đồng đều ở các địa phương, còn hình thức khi xây dựng và tổng kết các chính sách về an sinh xã hội, nên chưa thấy được nhu cầu thực và sự phát triển của xã hội đến đâu. Đặc biệt, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng trong những năm vừa qua, kéo theo sự phân tầng xã hội ngày càng rõ rệt; một số bức xúc xã hội vẫn còn và chậm được giải quyết đã tạo ra những điểm nóng, gây căng thẳng trong quan hệ xã hội và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Đây được coi là những vấn đề phức tạp, luôn phát sinh trong quá trình phát triển và nếu chúng ta đánh giá, nhận định, dự báo thiếu chính xác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách phát triển của Nhà nước, của các địa phương có mối quan hệ với nhau về liên kết, hợp tác phát triển. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Những vấn đề trên phải được Đại hội lần thứ XII của Đảng kỳ này tổng kết, đánh giá, phát triển nhận thức của Đảng về quản lý phát triển xã hội cho xác thực hơn với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay và những năm tiếp theo. Phải nhìn thấy và thừa nhận tính xu hướng trong phát triển kinh tế bao giờ cũng đi đôi với giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Hai vấn đề này tuy hai nhưng là một, nó luôn tác động, hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển. Khi ban hành các chính sách phát triển cũng phải dựa vào nguyên lý cơ bản này, không thể tách rời và coi nhẹ vấn đề nào”.

HOÀI NAM

>> Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mới

Tin cùng chuyên mục