Bạn đã viết truyện ngắn hay tiểu thuyết khi nào chưa? Thử viết rồi sẽ biết mình phải khổ sở mức nào với các nhân vật của mình. Ngày đêm đeo bám hiện thực từ thượng vàng đến hạ cám đôi khi chỉ chộp được có một cánh tay trái của nhân vật. Cánh tay phải vẫn còn ở đâu đâu. Rồi lại tìm kiếm đôi chân, con mắt, giọng nói, kiểu tóc… Lắp ghép chỗ này một chút, chỗ kia một chút, như trẻ con chơi đồ nhựa vậy. Mất tiêu cả tháng, sút mấy cân luôn.
Chưa hết, có ngoại hình rồi còn phải lo đặt tên, xây dựng tính cách, quyết định sống chết. Riêng cái khoản sống chết này nhiều khi nghe nhức óc lắm. Cho chết, rồi lại để sống, thấy sống chưa ra sống lại cho chết. Ra đường ngơ ngơ ngác ngác dễ đâm đầu vào xe như chơi cũng vì một lẽ sống chết của nhân vật. Nhiều khi nhân vật chết mà máu chảy ở trong tim mình.
Cho nên nặn xong một nhân vật ưng ý thì “đã” chi lạ, chạy xe như đang bay bay cách mặt đường một gang, uống cà phê quên bỏ đường vẫn cứ thấy ngon ơi là ngon. Đời người cầm bút sảng khoái nhất, thăng hoa tột đỉnh là những khoảnh khắc này đây. Không quý đứa con phi vật thể của mình sao được. Rút ruột đẻ đau, ăn ngủ với nó, khóc cười với nó… Vậy mà tức chi lạ, nhiều khi chính nó lại là đứa phản bội mình, không phản bội thì cũng vô tình gây tai nạn. Gọi là tai nạn nghề nghiệp, nhỏ có, vừa vừa có, khủng khiếp có.
Một lần, tôi cho nhân vật chính của mình có bồ nhí. Chuyện cán bộ dù cấp tỉnh hay cấp huyện, thêm chút phở gia vị cuộc đời thì có gì là quan trọng lắm đâu. Miễn đừng “ham phở lơ cơm” thì được. Ngoài đời, trong tiểu thuyết đều tràn tràn ra đó. Đôi khi chất xúc tác lạ lùng này là thuốc bổ, là chất kích hoạt hưng phấn làm việc. Đúng không?
Thực ra lúc đầu tôi định chỉ xây dựng nhân vật của mình theo hướng thuần túy công việc, việc được có, việc tệ có. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ rồng phượng - rắn rít kia mà. Sau, thằng bạn tôi đọc bản thảo đã giơ tay ý kiến: “Truyện của mày khô quá, bây giờ văn chương người ta biết câu khách bằng tình, tiền, tu, tự tử… đủ thứ. Sao mày không lồng thêm vô đây một mối tình tay ba hoặc một pha sex nhẹ nào đó cho thêm sắc mùi. Vả lại, viết cho số tết thì phải nhẹ nhàng vui vui một chút mới có bạn đọc.
Nghe lọt tai, tôi mới cho ông Hạ có bồ nhí. Việc này cũng không phải dễ chơi, vì tôi là thằng viết văn quèn, chả phải cán bộ, cũng không phải là tay ghê gớm về khoản gái. Thiếu kinh nghiệm trầm trọng nên tôi đành phải dày công đi mót, đi lượm từng mảnh vải để về may thành áo. Tất nhiên tôi hiểu, chỉ với cương vị cấp phó thôi, ông ta vẫn đường đường là quan to nên không thể để ông công khai đi lại với món quà bí ẩn này. Vì làm thế là non tay, là xây dựng tính cách nhân vật không hợp với lô-gich cuộc sống.
Vậy mà trời đất, chỉ vì nhân vật ông Hạ, tôi đã có một cái tết mất vui. Cả một thời gian dài sau đó (Đến tuổi “nhi nhĩ thuận” thì nghi án mới được giải. Hóa ra đến tuổi hưu con người mới ngộ ra lẽ đời. Có muộn không?) cơn dư chấn này vẫn không thôi hành hạ đời tôi. Là do tôi sơ suất khi đặt tên nhân vật. Thú thật, tôi thường chú trọng đến những mặt khác kia, cái tên là gì lớn lắm đâu. Đừng đặt tên quá xấu tội người ta, cũng đừng quá tốt nghe sến sến khó chịu.
Vả lại, tôi thích đặt tên nhân vật ngắn gọn để đỡ phải mỏi tay vi-tính. Ai ngờ tên lại trùng tên, tôi quên bẵng là mình có một thằng bạn cũng tên Hạ, cũng cán bộ như ai. Phát súng đầu tiên là tôi phone mời tất niên không thấy thằng Hạ đến. Phát súng thứ nhì, nó chẳng thèm thăm tết tôi như mọi năm. Việc gì đây? Nó không đến thì mình đến nó trước.
Đúng ngày mồng ba tết, tôi đến và gặp vợ nó ở nhà một mình, nó cùng con trai đã về nội mất rồi. Vợ nó đón tôi đon đả nhiệt tình, bia mồi mang ra đầy bàn. Hú hồn, trái đất vẫn quay bình thường, mặt trời vẫn mọc ở phương Đông. Nhưng chỉ sau vài câu xã giao vợ nó vào đề ngay: “Nè chú Toàn, tui hỏi thiệt chú nghe, cái con Hạnh trong truyện của chú là đứa nào vậy?...”.
Tôi giật mình, thôi đủ rồi, rứa là đủ để tôi biết tỏng tòng tong mọi vấn đề rối rắm. Thị Kính ơi là Thị Kính, hay đến nông nỗi này thì tôi không cầm bút đâu. Nhưng án tại hồ sơ, cái thằng Hạ cán bộ nào đó rành rành là đã có bồ nhí tên Hạnh. Tên khá hay mà tôi mô tả cũng khá đẹp. Thường thường bậc trung cỡ như con Hoa, vợ nó, ghen dựng ngược lên là đúng quá đi chứ.
Từ cái vụ này, một năm sau và nhiều năm sau nữa nó lơ tôi, xuống nước năn nỉ giải trình chi cũng không được. Không hẹn gặp nhau, gặp thì giả đò làm lơ, tình cờ vô thế phải xã giao thì chào nhau lấy lệ. Đáng đời cái thằng tôi không biết tục ông bà mình từ thời xa xưa đã tối kỵ phạm húy. Húy thời xưa và húy thế kỷ 21 tuy có khác nhưng cùng một tính chất… chớ dại dính vô! Ít ra thì nó cũng phải “nghĩ mình phương diện quốc gia” chứ bộ. “Kinh cung chi điểu”, từ cú xợt cánh bị thương này, tôi biết sợ, biết hết sức dè dặt mỗi lần đặt tên cho nhân vật của mình. Vậy mà…
Một lần khác, lần này chính tôi trở thành nạn nhân trực tiếp của nhân vật. Chuyện là sau khi lật bộ nhớ ra tra cứu hết các tên nhân vật phụ nữ quen biết gần xa từ quê đến phố, tôi quyết định đặt tên cho nhân vật của mình là Thúi, con Thúi. Không sợ tên lại trùng tên nữa rồi. Cha ông ta hay nói đặt tên xấu ma chê không thèm bắt chết yểu, còn tôi cố đặt tên xấu là để tránh sự cố tai nạn nghề nghiệp.
Hơn nữa, cái tên này cũng phù hợp với tính cách của nhân vật. Thúi tuy đẹp gái nhưng hết sức ranh ma đáo để với cánh đàn ông. Tay nào tưởng bở lớn xớn nhào vô là bị dính đạn ngay. Thúi làm nghề tiếp viên nhà hàng, giao du rộng với giới mày râu tài hoa giàu có, trong đó có nhân vật trữ tình xưng tôi ở ngôi thứ nhất. Tôi để cho nhân vật xưng tôi tổng kết thành tích “sát trai” của Thúi bằng một câu nói xanh rờn trong quán nhậu: “Đã có gần hai mươi thằng đàn ông ngã gục dưới chân nó”. Trời đất, năm nay Thúy mới 21 cái xuân xanh. Như vậy, tính biết yêu từ thuở lên mười, bình quân mỗi năm Thúi thay cũ đổi mới có đến hai lần.
Ác thiệt, một thằng bạn nói. Một thằng bạn khác hỏi ngược lại: “Trong số gần hai mươi thằng chết ấy có mày không?”. Tôi mô tả nhân vật xưng tôi nghe hỏi thì cúi đầu im lặng. Văn chương nói ẩn bằng hình tượng, động thái mà, như thế đủ để bạn đọc hiểu ra mọi chuyện.
Nhưng đó là chuyện của truyện ngắn, chuyện của thế giới hư cấu tha hồ. Còn chuyện của tôi thì vẫn phải co cẳng chạy lo tết thí xác. Và trong thực tế cũng chẳng có con Thúi nào như thế, chẳng qua tôi nghe kể một phát triển thành mười vậy thôi. Mấy ngày giáp tết nhà tíu tít bận mà vẫn tíu tít vui. Tôi càng vui hơn khi truyện của mình được đăng trên báo tỉnh. Tôi mang báo biếu về cất kỹ, đợi ngày tết thong thả đem ra vợ chồng cùng ngồi nhâm nhi cho vui. Lại còn hí hửng mua thêm mấy tờ nữa biếu cho bạn bè.
Ngày tết, vợ chồng tôi lên kế hoạch sít sao từng giờ. Mừng tuổi nội ngoại, thăm sếp, bạn bè, bà con, đi cúng xóm, thắp hương nhà thờ tộc… lịch được xếp đâu vào đó chu đáo. Riêng ngày mồng Hai tết thì dành trọn vẹn cho gia đình. Ngày thiêng liêng này chỉ để tiếp khách, nghỉ ngơi và vợ chồng con cái quây quần đầm ấm cho đúng nghĩa ngày tết. Hôm đó tôi mới mang tờ báo xuân ra khoe vợ.
Dĩ nhiên là vợ tôi đọc bài của tôi trước nhất. Khi nàng đọc, tôi vào buồng lấy dĩa hạt dưa bánh mứt ra để bên cạnh. Ý đồ là để vừa nhâm nhi vật chất vừa thưởng ngoạn đời sống tinh thần. Không ngờ khi quay ra thấy nàng vò tờ báo ném rẹt vô góc phòng vùng dậy, mặt tái mét, hét toáng lên: “Ông đừng có mà chớn cháo như thế nữa. Ông với con Thúi có vấn đề chi mà im lặng cúi gầm mặt xuống không dám trả lời cho thiên hạ biết?”.
Tôi đứng chết trân một hồi lâu rồi mới hỏi: “Con Thúi mô, anh đâu có biết…”. “Đừng có mà giả bộ nữa, ông viết sờ sờ ra đó mà còn chối nữa hả? Con Thúi là tên hồi nhỏ của con Thúy tiếp viên đó chớ mô. Giỏi ngụy trang hỉ! Cháy nhà mới ra mặt chuột!”. Nói chưa dứt lời nàng đã nhào vô buồng đóng ầm cửa nghe khô khốc và tàn nhẫn như ma quỷ quậy phá. Tôi nghe có tiếng khóc ấm ức vọng ra.
Trời đất, tôi chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than: “Trời sinh em sao còn sinh Thúi? Kiểu ni thì mất tiêu những ngày nghỉ tết còn lại. Ôi, nhân vật của tôi ơi, thương nhau chi lắm cắn nhau đau?
TIÊU ĐÌNH