Nhanh chóng khắc phục hư hỏng tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng

Tiến độ khắc phục hư hỏng chậm
Nhanh chóng khắc phục hư hỏng tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng

Nhà máy Xử lý nước thải (XLNT) Bình Hưng đi vào hoạt động từ năm 2009 với vốn đầu tư là 230 triệu USD và công suất xử lý 90.000m³ nước/ngày đêm. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có hơn 121 khiếm khuyết được Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị - một trong những đơn vị chịu trách nhiệm vận hành - phát hiện. Đơn vị này đã từng nhiều lần yêu cầu chủ thầu công trình khắc phục những khiếm khuyết trên nhưng cho đến nay vẫn còn hơn 40 hư hỏng tồn đọng.

Khu chứa bùn thải tại Trạm xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: KIM NGÂN

Khu chứa bùn thải tại Trạm xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: KIM NGÂN

Tiến độ khắc phục hư hỏng chậm

Nổi cộm nhất là máy cô đặc ly tâm. Ngay từ khi đi vào hoạt động, máy này đã bị hư. Do đó, bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải, đơn vị vận hành phải xử lý tạm bằng cách chuyển sang bể lắng. Tuy nhiên, việc xử lý tạm này gây quá tải cho hệ thống bể lắng, buộc phải chuyển sang bể chứa nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận hành chung. Không chỉ vậy, cáp điện 3,3 kV khu vực trạm bơm nâng bị mất pha, gây mất điện toàn khu vực này. Đáng lo ngại nhất là xuất hiện tình trạng rò rỉ nước tầng hầm và lún nền đất. Tại khu vực tiếp giáp bê tông, nước phun thành vòi, có nguy cơ làm hư hại công trình ngầm, gây tổn hại nền móng toàn bộ nhà máy.

Ông Lý Đắc Thọ, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị cho biết, Nhà máy XLNT Bình Hưng thuộc gói thầu C&E của dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 1) khởi công xây dựng từ 2004. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, xuất hiện quá nhiều hư hỏng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của công trình. Công ty đã chủ động phối hợp Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM khắc phục, mặt khác yêu cầu chủ thầu nhanh chóng sửa chữa.

Ngoài ra, dù đã đi vào vận hành gần 2 năm nhưng hiện công ty vẫn chưa nhận được sách hướng dẫn vận hành và bản vẽ hoàn công từ nhà thầu. Bản quyền chương trình hệ thống điều khiển trung tâm cho đến nay vẫn chưa được nhà thầu bàn giao.

Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố khẳng định, khi phát hiện lỗi công trình, công ty phối hợp với trung tâm nhiều lần yêu cầu nhà thầu công trình phải sớm khắc phục ngay nhưng tiến độ khắc phục của nhà thầu rất chậm.

Kinh phí duy trì vận hành nhà máy hiện cũng đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do quy trình lập dự toán, phê duyệt dự toán và cấp kinh phí thực hiện quá lâu. Trong khi hoạt động nhà máy phải thường xuyên, liên tục. Trong những giai đoạn công ty chưa nhận được kinh phí thực hiện thì rất khó trong việc tìm nguồn vốn duy trì hoạt động của nhà máy.

Đề xuất cơ chế khoán kinh phí cho đơn vị vận hành

Dự án Nhà máy XLNT Bình Hưng được xem là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Dự án này đã và đang góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và chống ngập cho các quận 1, 3, 4, 5… Do đó, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục của nhà máy là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Phước Thảo cho biết, trong khi chờ nhà thầu khắc phục, trung tâm đã cùng đơn vị vận hành mời đơn vị tư vấn độc lập thực hiện đánh giá, xác định những khiếm khuyết về thiết kế và xây dựng, khắc phục những lỗi trong khả năng có thể: Phối hợp Tổng Công ty Điện lực TPHCM sửa chữa sự cố mất điện trạm bơm. Cử cán bộ tham gia chương trình huấn luyện xử lý nước thải mở rộng tại Singapore. Đồng thời, tự xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý nhà máy như kế hoạch vận hành, kế hoạch quản lý chất lượng. Riêng bùn thải, trung tâm đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu để xử lý thành phân compost, giúp giảm áp lực phải xử lý bằng cách chôn lấp. Hiện nguồn nước thải từ các kênh rạch đổ về dù nhiều hay ít đều luôn được đảm bảo xử lý chất lượng đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường. Thậm chí, có những thời điểm khối lượng nước thải lên đến 179.000m³/ngày đêm, trong khi công suất thiết kế là 150.000m³/ngày đêm nhưng vẫn được đơn vị vận hành, xử lý tốt. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả hoạt động của nhà máy lâu dài, nhất thiết nhà thầu cần phải khắc phục ngay những lỗi lớn mà đơn vị vận hành đã yêu cầu, nhất là tình trạng sụp, lún hạ tầng. Đồng thời, sớm bàn giao sách hướng dẫn vận hành và bản quyền hệ thống điều hành trung tâm làm cơ sở cho đơn vị quản lý thực hiện.

Ông Lý Đắc Thọ cho biết thêm, hiện công ty đang trình UBND TP cho phép thực hiện cơ chế khoán kinh phí. Công ty nhận khoán vận hành nhà máy trong 5 năm. Với cách làm này, cho phép đơn vị chủ động hơn trong việc vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ công, tiết kiệm hơn về chi phí bộ máy quản lý giám sát. Nhất là chủ động hơn trong công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Từ đó, đề xuất kế hoạch tối ưu hóa việc tiết kiệm, nâng cấp, sửa chữa kịp thời hư hỏng phát sinh trong quá trình vận hành…

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân TPHCM khẳng định, Nhà máy XLNT Bình Hưng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để sớm khắc phục những hư hỏng còn tồn đọng tại nhà máy. Về phía Ban Kinh tế - Ngân sách cũng sẽ có ý kiến về việc thực hiện cơ chế khoán kinh phí, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý chủ động hơn trong công tác vận hành nhà máy.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục