
Nước ta từ lâu đời đã hình thành nên những trung tâm đúc đồng lớn để đáp ứng nhu cầu về vũ khí và đồ gia dụng. Riêng ở thành phố trẻ Hồ Chí Minh, mấy trăm năm nay, các nghệ nhân làng nghề đúc lư đồng An Hội đã đúc nên những sản phẩm lư đồng đặc sắc góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Đồng ra khuôn phải được dũa cho sạch và lắp ráp lại mới thành bộ lư hoàn chỉnh.
Khoảng thế kỷ thứ mười tám, vùng đất Sài Gòn đón nhiều đợt dân cư từ miền Trung vào khai hoang lập nghiệp. Trong đoàn người di dân đó có không ít phường thợ thủ công mang theo bí quyết nghề nghiệp của quê hương mình vào vùng đất mới.
Như những thợ thủ công khác, những người thợ đúc đồng vào đến Sài Gòn lập tức tập trung lại thành những làng đúc và sản xuất những mặt hàng như nồi đồng, chảo đồng, lư đồng, chân đèn, ô trầu, bình bông, tượng Phật… Riêng ở An Hội, thợ đúc đồng chỉ chuyên sản xuất một mặt hàng duy nhất: lư hương.
Lư đồng An Hội (phường 12, Gò Vấp) được nhiều người biết đến nhờ những nét chạm trổ tinh vi thể hiện qua các sản phẩm lư hổ nhĩ (lư có gắn hình tai cọp), lư lục tượng (lư có gắn hình đầu voi), lư tre (lư hình khúc tre có mắt)...
Trong các ngành nghề khác, người ta có thể làm dối một chút mong thu lợi nhuận khá hơn, riêng với nghề đúc lư đồng, tuyệt nhiên không có chuyện cẩu thả hay gian dối bởi lẽ trong tâm can mỗi người thợ đúc lư là một niềm kính nhớ sắt son về tổ tiên. Vì vậy mọi sản phẩm đều được chăm chút bằng tâm huyết và sự sáng tạo độc đáo của người thợ. Bước đầu, trong khâu làm khuôn, người thợ phải vất vả chọn đất mà chỉ loại đất ở Thuận An (Bình Dương) mới đạt tiêu chuẩn. Đất mang về, xay nhuyễn, sàng lọc rồi phơi sau đó trộn với tro trấu, pha nước sền sệt đợi cho đất quện lại mới lên khuôn.
So với những vất vả của công đoạn làm khuôn thì việc nấu đồng cũng không kém phần cực nhọc. Không những thế, người đảm nhiệm khâu nấu đồng còn phải thường xuyên tích lũy kinh nghiệm để hợp kim pha chế có chất lượng và màu sắc đạt yêu cầu. Theo lời những người thợ lâu năm, có thể pha thêm kẽm nhôm nhưng liều lượng phải thích hợp, nếu pha nhiều kẽm, đồng có màu đỏ đẹp nhưng dễ rạn nứt. Khi đồng đủ độ nóng chảy, mà chỉ những người thợ lâu năm mới có thể nhận biết, đồng được loại tạp chất một lần nữa và đổ vào khuôn đã nung chín.
Có thể nói, người thổi “hồn” vào bộ lư chính là những người thợ chạm khắc. Nếu không được chứng kiến tận mắt, khó ai có thể hình dung được vì sao người thợ lại có thể đục đẽo nên những đường nét tinh xảo đến dường ấy. Dưới đôi bàn tay tài hoa của thợ chạm, từng vụn đồng bé xíu rơi xuống đất theo nhịp của chiếc đục chạm và chiếc búa nhỏ. Những long, những phụng linh thiêng; những điểu, những cò bình dị; những mai, những lộc tươi xinh dần hiện lên trên mặt lư sống động đến diệu kỳ.
NGỌC DIỄM