- Hiểu sai về huân, huy chương
Trang 3 báo Văn Nghệ số 37/2006 có bài tường thuật ngắn lễ trao tặng huân chương cho nhà văn Vũ Khiêu có sự nhầm lẫn dẫn đến sai sót đáng tiếc. Nhà văn Vũ Khiêu là nhà văn hóa lớn, một trí thức tiêu biểu của cách mạng, đã được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Lần này ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Vậy mà bài tường thuật sai đến 3 lần: Tiêu đề in đậm, chữ to “Lễ trao tặng Huy chương…”; trong bài cũng “…trọng thể tổ chức lễ trao Huy chương Độc lập…”. “…đồng chí Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước đã gắn Huy chương Độc lập hạng nhất…”. Huân chương cao nhất của Nhà nước ta là Huân chương Sao vàng, thứ đến là Huân chương Hồ Chí Minh. Hai cấp huân chương này không phân thứ bậc các hạng nhất, nhì, ba.
Cấp huân chương thứ 3 là Độc lập, có phân thứ hạng nhất, nhì, ba... Một số loại thuộc hệ khen thưởng nhà nước và của các bộ ngành Trung ương chỉ có cấp huy chương (không có huân chương) như Huy chương Vì sự nghiệp VH-NT, TDTT, Văn hóa, BC-VT…
SĨ THIỆN
- Sao lại gọi là quốc ca ngụy quân?
Nhạc sĩ – nhà báo Nguyễn Thụy Kha viết trong bài “Lưu Hữu Phước nhịp hành khúc bất tận” đăng trên Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 30-9-2006: “…ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm lấy bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca ngụy quân”.
Từ “quốc ca ngụy quân” dùng ở đây thật không ổn. Thiết tưởng tác giả viết “quốc ca của chế độ Sài Gòn lúc đó”, bạn đọc sẽ hiểu ra ngay. Và đó mới là câu viết đúng nghĩa.
TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ
- Có phải sốc phản vệ lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y khoa?
Trên báo SGGP 12 giờ, số 009 ra chiều thứ tư 20-9-2006, trong phóng sự “Tử vong trong điều trị: Bệnh lý hay chuyên môn kém?”, tác giả Ngọc Trước đã “dẫn lời” nhân viên y tế: “sốc phản vệ, sự cố hiếm xảy ra chết người trong ngành y” “lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y khoa”.
Sốc phản vệ đúng là một sự cố hiếm, nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
Sốc phản vệ có thể xảy ra khi chúng ta sử dụng bất kỳ một loại dược phẩm hay hóa chất nào, thậm chí là thực phẩm… Điều này nhân viên y tế nào cũng biết, chứ không như lời tác giả đã dẫn câu trả lời của BV Nguyễn Tri Phương rằng: “sốc phản vệ lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y khoa”.
CHI CHỊ (Q2, TPHCM)