Nhiệm vụ nặng nề

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu. Cũng vì lẽ đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet phát biểu với Reuters: “Chúng ta (châu Âu) đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu. Cũng vì lẽ đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet phát biểu với Reuters: “Chúng ta (châu Âu) đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Giữa lúc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung tìm giải pháp hợp lý để cứu Hy Lạp tránh khả năng vỡ nợ, nhiều nhà kinh tế dự báo hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ có nguy cơ bị sụp đổ nếu cuộc khủng hoảng nợ lan rộng.

Để cứu vãn, các ngân hàng lớn của EU có thể phải mua lại trái phiếu của các nền kinh tế này, chẳng khác nào đẩy các ngân hàng vào nguy cơ phá sản. Thực tế là các cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu đã liên tục rớt giá từ mùa hè chứ không phải đợi tới hôm nay. Đặc biệt, sau khi Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ không thể cắt giảm thâm hụt ngân sách như đã đề ra, Ngân hàng Liên doanh Bỉ - Pháp Dexia, một trong những ngân hàng lớn của EU rớt giá 37% trong ngày 4-10, tương đương với 2,5 tỷ EUR. Nguyên nhân là ngân hàng này đã mua trái phiếu của Hy Lạp trị giá 3,8 tỷ EUR. Các quan chức châu Âu đang sốt vó để cứu ngân hàng này.

Hơn ai hết, Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin và Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders cho rằng, bằng mọi giá họ phải cứu Dexia trước nguy cơ phá sản. Ngoài Dexia, hai ngân hàng lớn khác của Pháp là BNP Paribas SA và Societe Generale SA cũng đang bị sức ép của các chính phủ đòi họ mua thêm các trái phiếu nợ xấu từ Hy Lạp. Các quan chức tài chính của EU đang thiên về khả năng buộc các ngân hàng này phải chấp nhận thua lỗ nhiều hơn 21% mức quy định hồi tháng 7 khi gánh nợ của Hy Lạp. Các ngân hàng tham gia cứu Hy Lạp cũng vẫn phải tuân thủ quy định dự trữ bắt buộc do Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel quy định.

Nhà phân tích Kian Abouhossein của Tập đoàn JPMorgan Chase cho rằng, Societe Generale cần thêm 5,5 tỷ EUR để tuân thủ quy định này vào cuối năm 2012; BNP cần 600 triệu EUR. Theo Bloomberg, 3 ngân hàng nói trên là những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả nhất trong tổng số 46 ngân hàng trong EU. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu của Societe Generale rớt giá 55% trong khi BNP rớt 43%.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble phát biểu tại một cuộc họp báo ở Luxembourg nói: “Điều đáng lo ngại hiện nay là những diễn biến xấu của thị trường tài chính sẽ leo thang trở thành cuộc khủng hoảng ngân hàng”. Nhiều ngân hàng khác ngoài những ngân hàng nói trên cũng đang kêu gọi ECB cứu. Trong một bài diễn văn cuối cùng đọc trước Nghị viện châu Âu trước khi về hưu vào cuối tháng này, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet kêu gọi lãnh đạo châu Âu nên dũng cảm đối mặt với sự thật: “Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2 tới nay”.

Năm 2008, Ngân hàng Lehman Brothers sau khi phá sản đã kéo Mỹ vào thời kỳ suy thoái kinh tế nặng nề cho tới nay. Nay, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi cấp thêm vốn cho các ngân hàng trong EU. Một giải pháp đang được xem xét là chuyển 440 tỷ EUR từ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) vào hệ thống ngân hàng, tạo thêm thanh khoản cho họ. Giải cứu các nền kinh tế khủng hoảng nợ rồi giờ đây đến lượt giải cứu các ngân hàng. Người ta đang nghĩ đến một hoàn cảnh tương tự trường hợp Lehman Brothers ở châu Âu. Xem ra, nhiệm vụ của EU quá nặng nề.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục