Nhiệt điện than và hiểm họa môi trường

Báo cáo của một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard (Mỹ) về các bệnh liên quan đến nhiệt điện than tại Việt Nam cho thấy, số người chết lên tới 4.300 người mỗi năm. Nếu tiếp tục đưa vào vận hành thêm 52 nhà máy (tính đến năm 2030), tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, thì số người chết yểu mỗi năm cán mức khoảng 25.000 người. Trong đó, các hạt bụi siêu nhỏ từ nhiệt điện than sẽ gây ra hàng loạt bệnh, gồm phổi tắc nghẽn, đau tim, rối loạn nhịp tim, tim thiếu máu, đột quỵ, ung thư phổi… Câu hỏi đặt ra ở đây là Việt Nam vẫn chưa có giải pháp thay thế nhiệt điện than?

Bà Aviva Imhof, đại diện Quỹ Khí hậu châu Âu, dẫn chứng Trung Quốc đang liên tục cắt giảm sử dụng than từ năm 2014 đến nay do lo ngại tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là tình trạng mù sương tại một số thành phố lớn. Người dân hít phải loại sương mù này có triệu chứng khó thở, đau tức ngực… Đối với Mỹ, nhiều dự án nhiệt điện than đã ngừng khai thác, một số dự án đang trong giai đoạn xem xét cắt giảm, tiến tới bỏ hẳn. Nhiều quốc gia phát triển hướng tới việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như điện mặt trời, điện từ năng lượng gió… Thống kê của các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, hàng năm gần 1 triệu người trên thế giới chết do những căn bệnh có liên quan tới ô nhiễm môi trường gây ra bởi nhiệt điện than. Bà Nguyễn Thu Trang, điều phối viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) nhìn nhận, mặc dù nguồn điện than này được đánh giá có giá thành rẻ, nhưng nếu tính toán kỹ, cái giá phải trả cho xây dựng nhà máy sản xuất nhiệt điện than có thể không rẻ.

Thông tin từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, đơn vị này mới ký hợp đồng với một công ty của Australia nhằm thử nghiệm khai thác than bằng công nghệ khí hóa than ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Thế nhưng, chính công ty này tại Australia cũng đang bị kiện về việc họ làm. Theo bà Nguyễn Thu Trang, ước tính nhiệt điện than của nước ta sẽ chiếm trên 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong vòng 10-15 năm tới đây; điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn than vào năm 2030. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nguồn than không dễ dàng khai thác, cung ứng đủ cho các hợp đồng mang tính dài hạn; từ đó đe dọa an ninh năng lượng quốc gia. Chưa kể, trong quá trình sản xuất, nước ta cần phải có khâu giám sát, chế tài về môi trường cần phải chặt chẽ, khoa học. Chính những người dân sinh sống gần Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở xã Dân Thành (tỉnh Trà Vinh) đã phải gọi điện kêu cứu đến Báo SGGP về tình trạng ô nhiễm khói, bụi than nghiêm trọng, khiến bà con luôn sống trong tình trạng ngột ngạt, khó thở. Bên cạnh đó việc sản xuất, nuôi trồng của bà con cũng bị ảnh hưởng mạnh. Theo người dân ở khu vực nhà máy nhiệt điện này phản ánh, dù ở cách xa hàng chục cây số nhưng khói bụi, tình trạng muối nhiễm bẩn, nuôi tôm thì tôm chết… xảy ra thường xuyên khiến cuộc sống của bà con nông dân bị đảo lộn hoàn toàn.

Thời gian qua, các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế đã có nhiều nghiên cứu cụ thể chỉ rõ sản xuất nhiệt điện than là đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới. Tuy vậy, ở nước ta, nhiều lý giải về sản xuất nhiệt điện than đã viện dẫn vì điều kiện kinh tế đặc thù, nên chúng ta chấp nhận đẩy mạnh khai thác nhiệt điện than. Vẫn biết, dù lựa chọn sản xuất điện năng theo cách nào thì ta vẫn phải đánh đổi, nhưng cách đánh đổi theo kiểu hủy hoại môi trường sống, sức khỏe lâu dài của người dân… thì rất cần phải cân nhắc, xem lại. Bởi nếu không cẩn trọng, những bước tiến của thế hệ cha ông lại gây họa cho con cháu chúng ta sau này.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục