Ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT cho biết, trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác, đợt cao điểm có thể lên đến 9.000 tấn rác. Tuy nhiên, vấn đề thu gom và vận chuyển rác hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát sinh rác thực tế.
Phần lớn lực lượng thu gom rác là lực lượng rác dân lập nên họ thường sử dụng các phương tiện thô sơ không đảm bảo an toàn giao thông. Mặt khác, các phương tiện thu gom thường bị cơi nới dẫn đến tình trạng rơi vãi, rò rỉ nước rỉ rác trong quá trình thu gom, gây mất mỹ quan đô thị. Việc triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện nhiều lần nhưng do thiếu sự hợp tác từ phía cộng đồng và thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải chưa đồng bộ nên hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Riêng các trạm trung chuyển trước đây được bố trí xa khu dân cư nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh nên hiện phần lớn các trạm nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm mùi nghiêm trọng đến người dân sống xung quanh. Việc cải tạo các trạm này cũng khó thực hiện vì gần 70% trạm trung chuyển có diện tích đất không đáp ứng yêu cầu tối thiểu để xây dựng trạm trung chuyển đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Sở đã làm việc với các quận huyện để yêu cầu bố trí quỹ đất xây dựng những trạm trung chuyển đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng không địa phương nào bố trí quỹ đất. Hơn nữa, việc bố trí quỹ đất để xây dựng trạm trung chuyển rác thường vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân. Không chỉ vậy, thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân khiến cho chất lượng quản lý môi trường cũng bị hạn chế.
Để hạn chế những tình trạng này, Sở TN-MT sẽ tập trung đẩy mạnh một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục triển khai phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân; xây dựng và triển khai kế hoạch đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Về các trạm trung chuyển, phối hợp với các quận huyện khảo sát xác định điểm nóng gây ô nhiễm, từ đó lập phương án sửa chữa, cải tạo, giảm thiểu ô nhiễm cho người dân. Về lâu dài sẽ quy hoạch hệ thống trạm trung chuyển và xây dựng mới các trạm với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trường, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hai khu liên hợp xử lý chất thải trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng ô nhiễm mùi tại các bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, sở cũng đang hợp tác với một số đối tác bên ngoài để tìm kiếm những giải pháp, công nghệ tiên tiến để áp dụng cho quá trình xử lý rác trong tương lai. Cụ thể đến năm 2015, TPHCM sẽ giảm số lượng rác được chôn lấp xuống còn 40%, rác sau khi được phân loại dùng sản xuất phân compost và áp dụng công nghệ đốt rác để phát điện.
MINH HẢI