Nhiều bến cóc lại “mọc” lên

Nhiều bến cóc lại “mọc” lên

Sau bài viết “Xe dù, bến cóc: chưa đến Tết đã bùng phát” đăng trên Báo SGGP, nhiều bạn đọc gửi thư, gọi điện thoại đến báo phản ánh: nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh du lịch lữ hành được phép vận tải hành khách đã lập bến cóc tại trụ sở đơn vị, bán vé và chạy xe dù.

  • Kinh doanh du lịch lữ hành biến tướng…
Nhiều bến cóc lại “mọc” lên ảnh 1

Trung tâm Lữ hành T.B. trên đường Lê Hồng Phong (quận 5) bị biến thành bến cóc.

Công ty TNHH P.T kinh doanh du lịch lữ hành, có trụ sở ở 486A Lê Văn Lương quận 7. Mặc dù trụ sở của công ty đặt ở quận 7, nhưng phần lớn các giao dịch như bán vé, đón trả khách lại diễn ra ở số 270 đường Đề Thám (quận 1). Hàng ngày, tại đây có hàng chục người mà chủ yếu là khách đi xe liên tỉnh đến mua vé, đi xe. Nơi đây đang hình thành một bến xe nhỏ.

Được biết, không chỉ Công ty TNHH P.T mà Công ty Lữ hành T có trụ sở tại số 9 đường Lê Đại Hành thành phố Đà Lạt cũng sử dụng điểm này làm nơi đón, trả khách mỗi khi đến thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô lớn hơn là Công ty TNHH T.B đóng ở số 266-268 đường Lê Hồng Phong (quận 5). Trụ sở có khuôn viên khoảng 60m2 này đang biến thành một bến xe hạng trung.

Ở đây từ sáng sớm đến khuya, người dân đến mua vé, gửi hàng nhộn nhịp. Các loại xe tải nhỏ, xích lô, taxi đậu thành hàng trước trụ sở công ty đưa đón khách. Cứ vài chục phút lại có một chuyến xe xuất bến. Anh Nguyễn Văn Dũng, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, hầu hết sinh viên trong lớp đều đến các bến xe dọc đường Lê Hồng Phong để về nhà, còn ra Bến xe Miền Đông vừa xa, lại tốn thêm tiền xe buýt. Được biết, công ty này có đội xe 21 chiếc, loại xe 46 chỗ ngồi thường xuyên hoạt động trên tuyến thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt. Những ngày gần Tết, lượng người đi xe nhiều nên hoạt động ở công ty này càng tấp nập hơn.

Theo nhận định của Sở Giao thông - Công chính TPHCM, tình trạng các công ty kinh doanh du lịch lữ hành có giấy phép vận tải hành khách mở bến bãi trái phép ngày càng nhiều. Chỉ riêng trên đường Lê Hồng Phong thuộc địa bàn quận 5 và quận 10 đã có 13 công ty, chi nhánh công ty, doanh nghiệp tư nhân mở bến trái phép, đó là Công ty TNHH T.T; Công ty TNHH S.T; Công ty TNHH T.B; Công ty TNHH T.C; chi nhánh Công ty TNHH K.H; chi nhánh Công ty TNHH P.V; chi nhánh Công ty TNHH P.N...

  • Vi phạm đã rõ nhưng không thể cấm

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Sơn – Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, thời gian gần đây, số công ty kinh doanh du lịch lữ hành chuyển sang vận tải hành khách theo tuyến cố định đang có chiều hướng gia tăng. Các công ty này có trụ sở đóng ở trung tâm thành phố nên dễ thu hút khách nhưng lại tạo ra những bến xe cóc và cạnh tranh không lành mạnh. Điều này đã làm cho những công ty hoạt động nghiêm chỉnh, vào bến tập trung lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Duy Kha, cán bộ HTX Xe khách liên tỉnh và du lịch Đông Bắc tâm sự: “Nhiều lúc vì cuộc sống gia đình chúng tôi muốn bỏ bến mang xe ra ngoài làm ăn. Các công ty du lịch lữ hành cứ biến thành công ty xe khách thì chúng tôi không biết còn trụ được bao lâu”. Còn theo ông Võ Đình Phúc, cán bộ HTX vận tải và du lịch Cửu Long, xe của HTX hoạt động đúng bến, thực hiện đủ nghĩa vụ với nhà nước nhưng lại lỗ vì không đủ sức cạnh tranh với xe ở các bến cóc. Nếu ngành giao thông không chấn chỉnh kịp thời thì những công ty làm ăn chân chính bị phá sản hoặc bỏ bến đưa xe ra ngoài chạy dù.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Công chính TPHCM nhìn nhận, phần lớn các tụ điểm bến cóc, xe dù hiện nay là do những công ty du lịch lữ hành lập ra. Vỏ bọc hoạt động của các công ty này là kinh doanh du lịch lữ hành, xe chạy hợp đồng, đưa đón khách tại trụ sở nên phát hiện cũng rất khó xử lý.

Để ngăn chặn sự biến tướng này, Sở đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh. Đối với những công ty vi phạm nhiều lần, Sở đã có công văn (số 17/GT-VTCN, ngày 10-1-2005) gửi UBND TPHCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư đề nghị tạm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ và bán vé. Thế nhưng, các đơn vị này không những không bị thu giấy chứng nhận mà còn hoạt động mạnh hơn, quy mô lớn hơn.

Theo Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định 109/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ quan chức năng chỉ có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động. Trong 7 trường hợp buộc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 109 thì hành vi lập bến cóc, xe dù lại không nằm trong quy định này. Đây chính lỗ hổng để một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành lách luật, mở bến cóc, hoạt động xe dù ngày càng nhiều hơn.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục