Thất thoát quản lý nhà, xưởng, kho bãi nhà nước

Nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng

Nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM vừa làm việc với một số cơ quan chức năng về công tác quản lý nhà, xưởng, kho, bãi thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Tại đây, Ban KT-NS đã công bố một số kết quả sau đợt giám sát tháng 4-2005. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với thực trạng mà báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, lý giải vì sao dẫn đến thực trạng trên thì nhiều cơ quan…im lặng.

  • Phân lô kho bãi, cấp phép xây dựng nhà ở
Nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng ảnh 1

Kho bãi số 555 Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh đã thành những căn nhà mặt phố.

Theo báo cáo của Ban KT-NS HĐND TP, Ban chỉ đạo 80 (thực hiện Quyết định 80/2001/QĐ-TTg ngày 24-5-2001 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM) đã trình UBND TP thu hồi 34 mặt bằng bỏ trống, cho thuê, sử dụng không đúng công năng.

Qua rà soát, vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng vi phạm trong quản lý mặt bằng kho, bãi, biến thành nhà ở, nhưng được các cơ quan có thẩm quyền hợp thức hóa. Công ty Dịch vụ ăn uống quận Bình Thạnh ký hợp đồng thuê với Công ty Kho bãi kho 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), trong đó diện tích kho là 366m2, diện tích bãi là 1.487m2. Sau đó, đơn vị thuê tự ý giao lại cho Xí nghiệp Quản lý- Phát triển nhà Bình Thạnh, tiến hành phân lô xây dựng nhà ở và bán chuyển quyền sở hữu cho người khác sử dụng.

Cũng trên địa bàn quận Bình Thạnh, tại kho 33 Nguyễn Hữu Thoại có diện tích 1.138m2, Công ty Kho bãi đã chuyển đổi công năng sử dụng để xây dựng 6 căn nhà 1 trệt 1 lầu. Việc làm này được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng số 2301/GPXD91, ngày 9-10-1991.

Một dạng chiếm dụng khác là ký hợp đồng với đơn vị quản lý rồi làm nhà ở như trường hợp của Công ty Vật tư Tổng hợp TP. Kho 88 Gò Công (quận 5) có diện tích 251m2, kết cấu nhà phố liền kho 1 trệt 1 lầu đã xuống cấp. Công ty Vật tư tổng hợp TP ký hợp đồng thuê từ Công ty Kho bãi rồi bố trí 6 cán bộ công nhân làm nhà ở. Đáng chú ý là tại kho 26AB Hùng Vương, quận 11 với diện tích rộng 264m2, Công ty Vật tư tổng hợp TP ký hợp đồng thuê với Công ty Kho bãi, tiến hành bố trí 2 căn hộ cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở, trong đó một căn nhà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Bên cạnh vấn đề sử dụng kho bãi sai mục đích là việc cho thuê với giá rẻ như cho. Doanh nghiệp, cá nhân xin thuê và được thuê với giá rất mềm, (kho bình quân từ 20-30 ngàn đồng/m2/tháng, bãi từ 3.600 đến 4.000 đồng/m2/tháng) tìm cách cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần để hưởng chênh lệch, thậm chí có đơn vị thuê kho bãi nhưng không trả tiền. Đơn cử như trường hợp 16.000m2 nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước tại 35 Hồ Học Lãm, thị trấn An Lạc kéo dài từ thời bao cấp. “Ngày 28-7-2005 thành phố đã tiến hành thu hồi rồi!” - ông Huỳnh Công Hùng nói.

  • Chạy lòng vòng, biến kho thành cao ốc?

Quá trình giám sát, Ban KT-NS HĐND TP cho biết còn có 234 đơn vị chưa kê khai, báo cáo nhà đất, chiếm tỉ lệ 12% mặc dù Thường trực Ban chỉ đạo 80 và UBND TP đã có nhiều văn bản nhắc nhở. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nhận định: “Năm nay TP thực hiện chủ trương tiết kiệm chống lãng phí, chúng ta rà soát quyết liệt chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu rất lớn!”. Nhưng rõ ràng, khi đối mặt với thực tế, việc rà soát thực hiện theo quy định hết sức khó khăn. Đó là, một số đơn vị luôn đề xuất thay đổi phương án xử lý nhà - đất, khi thì giữ lại, khi thì xây dựng chung cư, khi thì bán, buộc Ban chỉ đạo phải làm trở lại quy trình hồ sơ.

“Việc thay đổi phương án sắp xếp xoành xoạch như thế là thủ thuật đối phó vì sợ bị thu hồi. Việc sử dụng sai mục đích là do coi thường kỷ cương phép nước!” - đại biểu Đặng Văn Khoa khẳng định. Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước trung ương có nhà đất trên địa bàn TPHCM thuộc diện di dời hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp, đại bộ phận đề nghị chuyển mục đích xây dựng chung cư, cao ốc văn phòng cho thuê, trong khi đơn vị không có chức năng kinh doanh địa ốc hoặc bổ sung sau ngày Quyết định 80 có hiệu lực.

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến của các sở ngành liên quan đều tán đồng với báo cáo của Ban KT-NS. Tuy nhiên, khi truy vấn vì sao việc tự ý chuyển kho bãi thành nhà ở lại được cấp phép xây dựng thì đại diện Sở Xây dựng chưa trả lời được. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, các giải pháp đưa ra tìm hướng xử lý sắp tới của dự thảo vẫn còn quá nhẹ “đô”. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trung ương, mặc dù Ban chỉ đạo 80 có ban bệ hẳn hoi nhưng không có thẩm quyền, bởi vì TP làm sao ký thu hồi đối với công ty trung ương?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, sở thường xuyên đôn đốc việc thực hiện. Khi thành lập đường dây nóng, quá trình tiếp nhận nguồn tin, sở tổ chức kiểm tra hầu hết đúng như phản ánh. Đến nay có 1.475/1.700 đơn vị kê khai với 6.812 cơ sở, số còn lại chưa kê khai; nguồn thu từ nhà xưởng sau khi xử lý năm 2004 là 1.201 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm là 941,8 tỷ đồng. “Nếu thực hiện hiệu quả phải có 2 phương án cụ thể: cơ chế hợp lý và sự ủng hộ của chính quyền, các đơn vị!” - bà Hồng nói.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết đây là tài sản nhà nước khổng lồ phải được quản lý nghiêm minh. “Trong báo cáo với HĐND TP tại kỳ họp tới, các Sở Xây dựng, Công ty Kho bãi phải có giải trình cụ thể chứ không thể im lặng như vậy”. 

Lương Thiện 

Tin cùng chuyên mục