TPHCM hiện có trên 100 cây cầu đang có nguy cơ sập. Hàng ngày, chúng phải oằn mình gồng gánh những đoàn xe chở quá tải gấp 2 - 3 lần tải trọng chịu lực của cầu.
Cầu yếu, xe quá tải vẫn qua
Hiện nay, trên nhiều tuyến đường trọng yếu ở TPHCM có hàng loạt cây cầu cũ trở thành mối hiểm họa rình rập người tham gia giao thông. Những khi ùn tắc giao thông, nhiều xe phải dừng lại chen kín trên những chiếc cầu này, vượt quá tải trọng khiến nguy cơ sập cầu càng dễ xảy ra. Một trong số hàng trăm cây cầu nguy hiểm nhất hiện nay là cầu Văn Thánh 2 đang xuống cấp nặng. Cầu này nằm trên tuyến đường trọng điểm đi từ cửa ngõ phía Đông của TPHCM về cảng Sài Gòn. Cách đây không lâu cầu bị thủng một lỗ gây bất an cho giới chạy xe tải, xe container. Ngoài ra, dầm và các hạng mục khác của cầu này cũng có vấn đề. Các bản bê tông giáp khu vực hầm chui số 1 và số 2 xuất hiện nhiều vết nứt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày vẫn có hàng chục ngàn xe tải lưu thông qua cầu này nên rất nguy hiểm.
Anh Trần Thanh Tài nhà gần chân cầu cho biết, ban ngày còn đỡ vì hạn chế xe tải vào nội thành. Nhưng qua tầm 22 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau các loại xe tải, xe container chạy ầm ầm khiến cầu rung bần bật. Nhà tôi cách cầu 200 - 300m nên khi xe phóng lên cầu nhà cũng rung lắc huống chi là cầu. Vào những giờ cao điểm, từng đoàn xe tải, xe container 40 feet... trên 30 tấn vẫn rầm rầm nối đuôi nhau lên cầu.
Tương tự, cầu Đúc Nhỏ (quốc lộ 13, quận Thủ Đức) cấm xe trên 15 tấn, nhưng hàng ngày có hàng trăm xe container, ô tô tải chở đầy nguyên liệu có trọng tải từ 20 tấn đến trên 30 tấn nối đuôi nhau qua cầu. Cầu được xây dựng trước năm 1975, đến tháng 1-2011 được sữa chữa sau khi phát hiện nhiều vết nứt dọc các mố cầu. Tuy nhiên, cây cầu này tiếp tục bị nứt do không chịu nổi số lượng lớn các xe quá tải qua cầu. Cầu Bà Hom (trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân) mặc dù cấm xe tải trọng trên 13 tấn, nhưng hàng ngày xe container trên 30 tấn chở hàng ra quốc lộ 1A qua đây rất phổ biến. Cầu Tân Kỳ Tân Quý cấm xe trên 5 tấn, nhưng do cầu nằm trên đường nối quốc lộ 1A với đường Trường Chinh nên rất nhiều xe có trọng tải 15 tấn qua đây.
Khẩn trương xây cầu
Tình trạng các phương tiện chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên địa bàn TPHCM là khá phổ biến. Vấn đề này đã làm các công trình đường bộ bị xuống cấp nhanh chóng, đồng thời còn là nguy cơ tiềm ẩn các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã kiểm tra, rà soát, các cầu yếu, cầu tạm; tổ chức kiểm định chất lượng cầu để có phương án sửa chữa. Bổ sung biển báo tải trọng và các biển báo khác để đảm bảo an toàn giao thông; duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp, không để xảy ra tình trạng sập cầu; chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện trên địa bàn TP có trên 100 cây cầu hạn chế tải trọng từ 0,5 - 20 tấn đang phải đối mặt với tình trạng xe quá tải và hạn chế xe tải lưu thông trên nhiều tuyến đường. Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Nhà Bè. Sau thời gian xây dựng, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đã hoàn thành giai đoạn 1, cảng có diện tích 54,6ha, chiều dài bến 800m, công suất 8,5 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Vào khoảng trung tuần tháng 4 này, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ đón nhận hàng loạt chuyến tàu có tải trọng lớn vào cập cảng. Nhưng trớ trêu là đến nay, đường kết nối vẫn chưa thông suốt vì còn bị ngắt quãng bởi nhiều đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là cầu Đồng Điền thi công rất chậm chạp và chưa biết ngày hoàn thành. Ngoài ra, đường nội bộ của khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước vào hàng rào khu đất của dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Tuy chỉ dài hơn 1,5km, băng qua 2 con rạch nhỏ nhưng mấy năm qua vẫn chưa được đầu tư xây dựng. UBND TP vừa giao Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) tự cân đối vốn và chuyển giao cho UBND huyện Nhà Bè để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khu đô thị - cảng Hiệp Phước. Trong đó ưu tiên thực hiện ngay việc giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường D3 kết nối tới cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và cảng Tân Thuận Đông. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hàng loạt cầu bằng thép lắp ghép vừa nhỏ vừa yếu không đủ tải trọng cũng như độ tĩnh không thông thuyền, cần được khẩn trương nâng cấp, xây mới.
Những cây cầu yếu tại TPHCM Điện Biên Phủ 1, 2, Thị Nghè 1 (quận 1), Ông Hóa, Ông Tranh, Cá Trê 2 (quận 2), Chữ Y (quận 5), Tân Kỳ Tân Quý, Bà Tiếng, Bà Hom, Kinh HL4, Đập (quận Bình Tân), Dừa, Ông Ba (quận 4), Mỹ Thuận (quận 6), Rạch Cát, Vạn Nguyên, Hiệp Ân 2, Nhị Thiên Đường 1, Trắng (quận 8), Thái Bình, Xây 1, Kinh, Bảy Thỏ, Ông Tốt, Mương Chùa, Cá Rô, Nhà Trường, Ông Đào (quận 9), Sơn, Văn Thánh 2, Tôn Thọ (quận Bình Thạnh), Ông Dầu (quận Thủ Đức), An Lộc, Hang Trong, Hang Ngoài (quận Gò Vấp), Trệt, Trắng, Thai Thai, Tân Thạnh Đông, Láng The, Rạch Tra (huyện Củ Chi)…. |
QUỐC HÙNG