Tiết kiệm năng lượng

Nhiều chọn lựa để tiết kiệm tiền

Nhiều chọn lựa để tiết kiệm tiền

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã gây nhiều khó khăn trong mọi hoạt động của đời sống, từ sản xuất, dịch vụ đến đi lại... Áp lực trên đã thúc đẩy các ý tưởng giải pháp tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu mau chóng được triển khai vào thực tế.

  • Năng lượng mặt trời vào nhà tắm

Theo các chuyên gia, sản phẩm máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời xuất hiện ở thị trường Việt Nam gần 10 năm nay nhưng được tiêu thụ rất hạn chế do lạ lẫm và giá quá cao. Tuy nhiên, khoảng từ năm 2000 trở lại đây, loại máy này bắt đầu hút hàng. Bên cạnh các nhãn hiệu xuất xứ từ Úc, Trung Quốc, máy “made in Vietnam” đã có mặt và dần chiếm ưu thế.

Nhiều chọn lựa để tiết kiệm tiền ảnh 1

Nhiều khu resort ở Phan Thiết đang lắp máy năng lượng mặt trời Quán Quân.

Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng sản phẩm này là Công ty Quán Quân (TPHCM). Những năm đầu, máy nước nóng Quán Quân do còn lạ với người tiêu dùng chỉ tiêu thụ được vài chục cái mỗi tháng nhưng nay lượng máy bán ra đã tăng vọt do máy được làm toàn bộ bằng inox và bảo hành đến 5 năm.

Anh Tô Cường, Trưởng phòng sản xuất công ty phấn khởi: “Năm 2004 vừa qua, lượng máy nước nóng bán ra tăng 200%. Từ đầu năm đến nay trung bình bán được khoảng 300 máy/tháng”. Cũng vì nhu cầu tăng nhanh nên ngày càng có nhiều đơn vị “nhảy” vào, đến nay, TPHCM đã có khoảng 10 công ty sản xuất-kinh doanh máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Máy nước nóng Quán Quân với ưu thế tuổi thọ 15 năm, có thể lên 20 năm nếu nguồn nước tốt, an toàn, sau hai năm sử dụng máy, số tiền tiết kiệm được (từ việc không tốn tiền điện) đủ để mua một máy mới. Chính vì thế, không chỉ những tòa cao ốc, khách sạn, resort, trường học mới ưa chuộng máy nước nóng năng lượng mặt trời mà các hộ gia đình cũng ngày càng sử dụng nhiều. Hiện có đến 80% số máy bán ra đã thuộc sở hữu của các hộ gia đình.

  • Taxi gas lên ngôi

Giữa tháng 6-2004, tại Hà Nội, Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự (CTCKNGT) đưa vào khai thác loại hình taxi chạy gas. Đây là kết quả của đề tài khoa học cấp nhà nước về hoàn thiện công nghệ chuyển đổi xe chạy xăng sang chạy gas LPG sử dụng trong các thành phố lớn.

Do nguồn cung cấp gas (các trạm gas) còn chưa phổ biến  (Hà Nội hiện chỉ có hai trạm nạp gas do Petrolimex xây dựng) nên lượng xe còn hạn chế. Ngoài 30 chiếc xe gas của CTCKNGT, tháng 11-2004, Petrolimex đã đưa ra thêm 50 taxi gas. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc CTCKNGT cho biết, chi phí mua một bộ chuyển đổi đối với ô tô thông thường từ 4-6 triệu đồng và chi phí thiết kế-lắp đặt khoảng 2 triệu đồng.

CTCKNGT đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền cho phép lắp đặt bộ chuyển đổi, nghiệm thu và chứng nhận xuất xưởng. Xe “xuất” từ CTCKNGT sẽ được Cục Đăng kiểm cấp phép lưu hành.  Không chỉ ở Hà Nội, giữa tháng 12-2004, Petrolimex cũng đưa 60 chiếc taxi gas (loại 7 chỗ) vào hoạt động ở TPHCM với thương hiệu “Taxi xanh”.

Về độ an toàn, taxi gas đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Cục Đăng kiểm. Trên xe có đầy đủ phương tiện PCCC, tất cả bình gas đều có hệ thống van ngắt tự động khi có hiện tượng rò rỉ và xả gas tự động khi áp suất trong bình vượt quá mức cho phép.

Nhiều chọn lựa để tiết kiệm tiền ảnh 2

Taxi gas có thể tiết kiệm từ 10%-30% nhiêu liệu so với taxi sử dụng xăng.

Thậm chí, bình gas bằng thép chỉ chứa 7kg gas nhưng có thể chịu được sức nén đến 52kg gas. Vì vậy, vận hành taxi gas rất an toàn. Bên cạnh đó, ô tô gas còn khá thân thiện với môi trường. Theo tính toán, khí thải từ gas thấp hơn rất nhiều so với xăng, CO giảm 50%, CO2 giảm 12%, các loại hydrocarbon giảm 50%... Còn về chi phí nhiên liệu, nếu chạy đường trường sẽ giảm tới 30% so với xăng, còn kiểu chạy dừng-đỗ nhiều như taxi sẽ giảm được từ 10%-20%.

  • Nhiên liệu lai “lộ diện”

Các loại nhiên liệu lai như xăng pha cồn, xăng dầu pha dầu thực vật… đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, từ đầu năm 2005, nhiên liệu lai đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tháng 4-2005, nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện Khoa học Vật liệu tại TPHCM tuyên bố đã thử nghiệm thành công quy trình sản xuất xăng pha cồn có chất lượng tương đương xăng A92.

Hỗn hợp nhiên liệu này gồm 31% condensate (xăng nhẹ), 10% cồn etylic và một số thành phần khác. Không những đáp ứng được yêu cầu vận hành của động cơ xe, loại nhiên liệu này còn giúp giảm đáng kể lượng khí thải độc hại so với dùng xăng. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Phương Tùng, chủ nhiệm đề tài, do loại cồn thí nghiệm là cồn nguyên chất (cồn khan), giá khá cao nên đề tài chưa thể đưa vào ứng dụng đại trà được. Hiện phân viện đang gấp rút triển khai nghiên cứu quy trình sản xuất cồn khan giá rẻ với sản lượng lớn. 

Khoảng cuối tháng 2-2005, một nhóm nghiên cứu khác cũng của Phân viện Khoa học Vật liệu tại TPHCM đã sản xuất thành công dầu diesel sinh học (biodiesel) từ dầu thực vật. Sau đó, đầu tháng 9-2005 nhóm này đã thử nghiệm sử dụng diesel truyền thống pha biodiesel để vận hành một số động cơ máy nổ đạt kết quả tốt. Lượng biodiesel được pha vào đến 20% nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ.

Nồng độ các khí thải cũng giảm khá nhiều. Điều đáng mừng là loại biodiesel trên được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu trong nước như hạt cao su, những loại hạt có dầu không có giá trị kinh tế. Sắp tới, phân viện sẽ hợp tác với một số công ty để mở rộng sản xuất loại biodiesel này.

Ngoài ra, khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng đang triển khai đề tài khoa học sử dụng cồn làm nhiên liệu cho xe máy chạy xăng. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Hải Tùng, Trưởng khoa Cơ khí, chủ nhiệm đề tài, lượng cồn pha vào khoảng 10%-20%, vừa giúp giảm chi phí so với xăng, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường. Loại cồn thử nghiệm sẽ có chất lượng thấp hơn để hạ giá thành (hiện có giá khoảng 7.000 đồng/lít). Dự kiến trong vòng một năm đề tài sẽ hoàn thành và công bố.

Lợi ích của nhiên liệu lai thì đã rõ, các thử nghiệm cũng cho kết quả khả quan. Do vậy, để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng phổ biến các loại nhiên liệu, rất cần các cơ quan chức năng hỗ trợ, nhất là về cơ chế pháp lý. 

Công ty Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex đang tiến hành nhập thiết bị và cử cán bộ đi học để sắp tới sẽ lắp thêm khoảng 300 chiếc taxi gas, đồng thời xây thêm 5 trạm nạp gas ở TPHCM. Đến cuối tháng 9 này, Hà Nội sẽ có thêm hai trạm nạp gas cho ô tô, một do CTCKNGT xây dựng và một của Petrolimex. Bên cạnh đó, CTCKNGT cũng sẽ đưa vào sử dụng thêm khoảng 70 taxi gas. Cũng trong tháng 9 này, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng sẽ phối hợp với một số đơn vị lắp ráp bộ chuyển đổi chạy gas cho xe máy và ô tô trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nhờ được sản xuất trong nước và được UBNDTP Đã Nẵng hỗ trợ nên chi phí lắp ráp sẽ rất thấp, khoảng 1 triệu đồng/bộ chuyển đổi đối với xe máy. Trước đó, Petrolimex miền Trung đã xây dựng xong 3 trạm nạp gas cho xe máy và ô tô trong nội thành Đà Nẵng. 

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục