Nhiều chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

40 triệu USD giúp Việt Nam
Nhiều chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức đối với nhân loại trong thế kỷ 21, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH đã thể hiện chủ trương, chính sách, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Không chỉ vậy, nhiều cơ quan liên quan trên thế giới cũng có nhiều chương trình hỗ trợ Việt Nam ứng phó với việc này.

Công nghệ xây dựng “xanh” có thể giúp giảm phát thải nhà kính - một trong những mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH. Ảnh: Huy Anh

Công nghệ xây dựng “xanh” có thể giúp giảm phát thải nhà kính - một trong những mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH. Ảnh: Huy Anh

40 triệu USD giúp Việt Nam

Ngày 17-10 vừa qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố 2 chương trình kéo dài 5 năm nhằm giúp Việt Nam ứng phó với tác động của BĐKH, sử dụng đất. Đó là chương trình “Rừng và đồng bằng Việt Nam” và chương trình “Năng lượng sạch Việt Nam” với tổng giá trị tài trợ trên 40 triệu USD, thực hiện từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2017, phù hợp với các chính sách cũng như chương trình về BĐKH của Việt Nam, trong đó có Chiến lược tăng trưởng xanh mới được ban hành.

Cụ thể, chương trình “Rừng và đồng bằng Việt Nam” được tài trợ khoảng 29 triệu USD. Với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, USAID sẽ hỗ trợ việc áp dụng các thực hành sử dụng đất nhằm đối phó với mất rừng, suy thoái rừng và các cảnh quan khác; tăng khả năng phục hồi của người dân, khu vực sinh kế ở các vùng đồng bằng thông qua hỗ trợ để tăng khả năng thích ứng và quản lý rủi ro, thảm họa do BĐKH. Còn chương trình “Năng lượng sạch Việt Nam”, USAID sẽ tài trợ 11 triệu USD nhằm khai thác các cách thức thu nhập, quản lý, phân tích và sử dụng các số liệu ngành năng lượng và thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Với sự phối hợp của Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan khác, chương trình này sẽ khuyến khích đầu tư nhà nước và tư nhân trong việc thử nghiệm và phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng có ích cho Việt Nam trong những năm tới. Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam cho biết rất vui khi hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình mới này nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, khai thác khả năng phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo, đồng thời giúp người dân sống ở các vùng rừng và đồng bằng dễ bị tổn thương. “Các chương trình này giúp giải quyết nhiều vấn đề then chốt liên quan đến BĐKH và tăng trưởng bền vững đang có tác động tới Việt Nam” -  ông Joakim Parker nói.

Từ năm 2000 đến nay, USAID đã hỗ trợ gần 600 triệu USD cho các hoạt động phát triển và cứu trợ tại Việt Nam, như chương trình hỗ trợ những người dễ bị tổn thương (người khuyết tật, nhóm dân tộc thiểu số, nạn nhân của thiên tai và nạn nhân của buôn bán người); chương trình làm sạch chất độc da cam ở Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát; chương trình phòng và kiểm soát cúm gia cầm và đại dịch cúm; chương trình phòng, chống HIV/AIDS… Tuy nhiên, chương trình Rừng và đồng bằng Việt Nam và Chương trình Năng lượng sạch Việt Nam là hai khoản tài trợ lớn đầu tiên của USAID trong lĩnh vực BĐKH.

Giám sát BĐKH

Để thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, từng bước đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra, ngày 5-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020. Kế hoạch xác định mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến 2020 gồm tăng cường năng lực giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước; chủ động ứng phó với thiên tai; chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp; tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về BĐKH.

Một trong các mục tiêu đáng lưu ý là thực hiện việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát BĐKH, nước biển dâng với công nghệ hiện đại, độ chính xác cao, đảm bảo cung cấp thông tin cho các vùng khí hậu Việt Nam; phục vụ việc hoạch định chính sách từ trung ương đến địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng hệ thống giám sát BĐKH và nước biển dâng từ năm 2013 - 2015. Từ năm 2012 - 2020, điều tra, đánh giá và lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Trong đó, từ năm 2012 - 2015 sẽ thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao. Thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2016, trong đó từ 2013 - 2014 thực hiện tại các địa phương ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

Trong kế hoạch còn gồm huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với BĐKH; thí điểm mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH; phát triển khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về BĐKH; huy động các nguồn lực và tài chính ứng phó với BĐKH.

Từ 2012-2015, kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH sẽ ưu tiên 10 chương trình, đề án trọng tâm về các vấn đề BĐKH, công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn; quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; dự án chống ngập úng tại một số TP lớn; cải tạo hệ thống đê biển; mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH...

Hà Phương

Tin cùng chuyên mục