Nhiều cơ sở ở Bắc Tây Nguyên gây ô nhiễm

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, người dân ở thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và người dân thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều cơ sở khai thác, chế biến, chăn nuôi không chỉ nổ mìn gây tiếng ồn mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Thuê đất khai thác đá không có thời hạn

Khoảng 15 năm trước, Công ty cổ phần Xây dựng công trình Sông Hồng (gọi tắt là Công ty Sông Hồng) được cấp phép khai thác đá ở thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Trong quá trình khai thác, việc nổ mìn đã gây tiếng ồn, rung lắc mái tôn của nhà dân. 3 năm trước, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận sự khổ sở của người dân về hệ lụy do nổ mìn gây ra. Đến nay, người dân tiếp tục lo ngại việc nổ mìn sẽ làm sập nhà.

Theo ghi nhận, mỏ đá được cấp phép khai thác nằm ngay khu dân cư thôn Kép Ram, trong đó có những ngôi nhà nằm sát mỏ. Ông A Ban, Trưởng thôn Kép Ram, cho biết, từ khi được cấp phép khai thác đến nay, Công ty Sông Hồng cho nổ mìn để khai thác đá, tạo ra những tiếng nổ rất lớn. Nhà ông A Ban cách mỏ đá hơn 1km, khi mìn nổ, mái tôn nhà ông rung lên, khiến gia đình ông luôn sợ bị sập nhà. Người dân mong muốn chủ mỏ giảm liều lượng thuốc nổ để giảm nhẹ tiếng ồn.

Đáng nói, để khai thác mỏ, công ty này đã thuê đất của người dân nhưng không xác định thời gian thuê, khiến người dân không biết lúc nào mới được trả đất. Năm 2008, ông Bùi Bắc Nam (Giám đốc Công ty Sông Hồng) ký biên bản thỏa thuận thuê hơn 7.000m² đất của vợ chồng anh A Bảo (thôn Kép Ram) để khai thác đá. Thời hạn thuê là “lâu dài”. Công ty có trách nhiệm khi nào khai thác hết đá thì phải san gạt, trả lại mặt bằng bằng đất bóc tầng phủ tại chỗ để gia đình sử dụng về sau.

Mỏ đá của Công ty Sông Hồng không những gây tiếng ồn mà còn gây ô nhiễm môi trường

Mỏ đá của Công ty Sông Hồng không những gây tiếng ồn mà còn gây ô nhiễm môi trường

Theo anh A Bảo, sau khi thuê đất, Công ty Sông Hồng đã đào sâu hơn 10m trên đất của anh để khai thác đá. Đến nay, sau 15 năm, công ty chưa trả lại đất mà chỉ mới san lấp được 2.000m²/7.000m² đất thuê. Tuy nhiên, việc san gạt không đảm bảo khi công ty múc đất, đá trắng từ nơi khác về đổ. Việc này khiến gia đình anh sau này không sản xuất được, nên gia đình đề nghị công ty phải đổ đất để san gạt mặt bằng như cam kết. Cùng anh A Bảo ra vị trí mà Công ty Sông Hồng đang san lấp cho khu đất của gia đình anh, chúng tôi chứng kiến bề mặt san lấp có rất nhiều đá to.

Anh A Bảo bên khu đất mà công ty san lấp một phần nhưng bên trên toàn đá

Anh A Bảo bên khu đất mà công ty san lấp một phần nhưng bên trên toàn đá

Ông A Ban thông tin, thôn Kép Ram có khoảng 20 hộ dân cho Công ty Sông Hồng thuê đất để khai thác đá từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có hộ nào được trả đất. Người dân đề nghị, khi công ty khai thác trên phần đất của hộ nào xong thì san gạt để trả lại đất cho người dân sản xuất. Phóng viên đã đăng ký làm việc với UBND xã Hòa Bình để được cung cấp thông tin về việc cấp phép mỏ đá, việc nổ mìn, thuê đất khai thác đá, san lấp đất sau khai thác của Công ty Sông Hồng nhưng sau nhiều ngày vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ô nhiễm kéo dài

Hàng chục hộ dân ở thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai khốn khổ vì mùi hôi do cơ sở chăn nuôi heo của ông Huỳnh Thái (thôn 4) gây ra. Tháng 4-2023, UBND xã Thăng Hưng đã yêu cầu cơ sở chăn nuôi trên phải dừng việc chăn nuôi heo trong khu vực không được phép, chuyển vị trí chăn nuôi hiện tại sang vị trí xa khu dân cư.

Ngoài ra, UBND xã cũng buộc cơ sở này khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý chất thải tràn ra môi trường. Tuy nhiên, việc khắc phục vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong buổi làm việc tiếp theo, các hộ dân đồng ý gia hạn việc khắc phục đến ngày 30-6, đồng thời việc chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thế nhưng, quá thời hạn trên, cơ sở chăn nuôi heo của ông Huỳnh Thái vẫn tồn tại gây mùi hôi thối.

Tại tỉnh Kon Tum, người dân phản ánh nhà máy sản xuất viên nén năng lượng của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (tại Khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, TP Kon Tum) khi hoạt động đã xả thải, khói bụi, tiếng ồn. Trước tình hình đó, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum cùng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra.

Thời điểm kiểm tra, nhà máy đang hoạt động vận hành thử nghiệm. Bằng trực quan, đoàn kiểm tra ghi nhận tiếng ồn tại khu vực băm; vỏ cây, mùn cây chưa được thu gom theo quy định. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã thuê Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu để phân tích chất lượng không khí. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp che chắn, giảm thiểu bụi, tiếng ồn phát sinh tại khu vực băm, nghiền nguyên liệu; thường xuyên vệ sinh nhà xưởng nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.

Sau khi bị xử phạt vẫn gây mùi hôi

Liên quan đến việc Báo SGGP phản ánh 3 trại heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên, Công ty TNHH MTV Ia Piơr Tân và Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyên Bảo (cùng ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) gây ô nhiễm môi trường, bị UBND tỉnh Gia Lai xử phạt 960 triệu đồng, phóng viên đã trở lại xã Ia Piơr và được người dân phản ánh các trại heo vẫn gây mùi hôi sau khi bị xử phạt.

Ông Triệu Văn Đoàn, Trưởng thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, cho biết, mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri tại UBND xã Ia Piơr, chủ các trại heo có hứa trong 1 tháng sẽ khắc phục mùi hôi. Tuy nhiên, đến nay mùi hôi vẫn bốc ra nồng nặc.

Tin cùng chuyên mục