
Hàng loạt cơ sở dạy lái xe trên địa bàn TPHCM đang phải khóc dở mếu dở vì các quyết định mới nhất của Bộ GTVT liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…
“Lên ruột” vì sân bãi

Thi bằng lái xe ô tô ở một trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Chính xác thì trong ba quyết định vừa được Bộ GTVT ban hành hầu như chỉ duy nhất điều khoản về diện tích sân bãi tập lái xe trong Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT là gây bức xúc. Mục b khoản 14 Điều 5 của Quyết định 55 quy định “(sân bãi tập lái xe) phải có diện tích tối thiểu 1.000m2 nếu đào tạo các hạng A1, A1, A3 và A4; 8.000m2 khi đào tạo các hạng B1 và B2; và 14.000m2 diện đào tạo các hạng C, D, E và F”.
Gút mắc ở chỗ không ít cơ sở đào tạo lái xe tại TPHCM đã hoặc vừa mới đầu tư hoàn thiện sân bãi đúng theo tiêu chuẩn cũ trong Quyết định số 4353/2001/QĐ-BGTVT vốn chỉ đòi hỏi sân rộng 500m2 đối với các hạng A, 5.000m2 cho các dấu B và 8.000m2 cho dấu C, D, E, F. Những “nạn nhân” tiêu biểu có thể kể đến Trung tâm Dạy nghề quận 12 đã đầu tư sân tập hơn 5.000m2; Trường Đào tạo lái xe Thăng Long xây dựng sắp xong một sân tập 7.000m2; Trường Dạy nghề Cửu Long đang xây một sân tròm trèm 10.000m2 nhưng khổ nỗi cơ sở này có đào tạo dấu lớn hơn B, tức vẫn còn thiếu 4.000m2 nữa… Thống kê của ngành chức năng cho thấy trong số hơn 50 cơ sở đào tạo lái xe do Sở Giao thông Công chính TPHCM quản lý, có khoảng 40% không đạt tiêu chuẩn về diện tích sân bãi tập lái theo Quyết định 55.
Hiệu trưởng một trường dạy lái xe khá nổi tiếng tại TPHCM không muốn nêu danh tính than thở: “Cái khó là cơ sở đã đầu tư sân 5.000m2 hẳn hoi và hoạt động ổn định bao nhiêu năm nay rồi, giờ biết đào đâu ra 3.000m2 nữa ở ngay bên cạnh để ráp vào. Đặc biệt trong bối cảnh tấc đất tấc vàng như tại thành phố”.
Trưởng bộ môn nghề Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM Hà Việt Tuấn bức xúc nói rằng mặc dù về lý thuyết, cơ sở nào không đủ (đất) thì vẫn còn giải pháp mua thêm cho đủ, nhưng trong thực tế đất ở chung quanh không bán thì có tiền cũng chẳng làm sao mua được, chưa kể quỹ đất ở TP cũng đâu còn nhiều.
Giám đốc Nguyễn Hoàng Long của Trung tâm Đào tạo lái xe Hoàng Gia nhận xét rằng những điều khoản quy định tiêu chuẩn về con người (nhân sự), phương tiện (xe cộ, máy vi tính…) không có vấn đề gì, nhưng sân bãi tập lái lại gay go đối với những cơ sở “lỡ” thiếu một phần diện tích vì giải quyết kiểu nào cũng rất khó: mua đất bên cạnh thì không dễ; bán cơ sở hiện có để mua chỗ khác lại là chuyện chẳng đặng đừng; còn hợp đồng thuê sân bãi ở cơ sở đủ điều kiện thì làm phát sinh hai vấn đề: tốn kém thêm chi phí trong khi học phí không thể tăng và lãng phí mặt bằng cũ!
Nên chăng... bất hồi tố?
Mục đích Bộ GTVT đưa ra những chấn chỉnh này là nhằm nâng cao, đảm bảo chất lượng đào tạo lái xe, từ đó hy vọng kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Thế nhưng vấn đề là liệu việc tăng thêm vài ba ngàn m2 đất có sẽ đảm bảo chất lượng đào tạo tốt hơn và TNGT được kéo giảm? Bởi vì theo ý kiến của những người am tường địa hạt đào tạo lái xe, chính chất lượng và trình độ của người thầy-giáo viên trực tiếp dạy lái xe mới quan trọng.
Ông Hà Việt Tuấn, Trưởng bộ môn nghề Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM tán đồng ý kiến này khi nói rằng sân bãi tức là bất động sản, không thể nay thế này mai thế khác, hơn nữa đối với sân tập 5.000m2 hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng bằng biện pháp lồng ghép các hình thi mà vẫn đảm bảo chất lượng bài học.
Ông Tuấn lấy trường hợp thi trên hình của bằng B2 làm minh họa: khoảng cách từ vạch xuất phát (hình 1 của bài thi) đến vạch cho người đi bộ (hình 2 của bài thi) thay vì dài 20m có thể rút xuống 10m; tương tự khoảng cách từ vạch người đi bộ đến hình 3 lên cầu thay vì 50m vẫn có thể rút xuống 20-25m.
Ông Tuấn giải thích: mục đích học là các tình huống (hình thi) đồng thời đoạn đường giữa ba hình thi vừa nêu có yêu cầu học viên không được chạy nhanh, không được tăng số vì thế không nhất thiết phải cố định khoảng cách giữa hai hình thi. Chính vì lập luận như vậy nên ông Hà Việt Tuấn mạnh dạng đưa ra một đề xuất: đối với trường hợp đã “lỡ” đầu tư đúng theo Quyết định 4353 trước đây mà nay không thể mở rộng diện tích ra xung quanh thì Bộ GTVT nên cho phép sân bãi đó tiếp tục hoạt động. Nói cách khác Quyết định 55 chỉ nên áp dụng cho những cơ sở đầu tư mới mà không “hồi tố” đối với cơ sở cũ đã hoạt động ổn định.
Có kiến nghị nhấn mạnh vào lưu lượng đào tạo. Những người theo quan điểm này cho rằng lâu nay áp dụng chỉ tiêu lưu lượng đào tạo thì các cơ sở vẫn vận hành tốt với cơ ngơi cũ, vì vậy nên chăng chỉ khi nào lưu lượng đào tạo tăng lên thì mới đòi buộc cơ sở phải tăng diện tích sân bãi. Cán bộ phụ trách đào tạo lái xe của một trường dạy nghề ở vùng ven TP (ông này cũng từ chối nêu danh tính) tán đồng đề xuất này khi nói rằng nên tùy theo đẳng cấp của từng trường: trường nào có quy mô đào tạo lớn thì phải có diện tích sân bãi lớn, và ngược lại.
Trong thực tế, đa số các cơ sở đào tạo lái xe tại TPHCM có lưu lượng đào tạo 250-300 học viên, chỉ một số ít trường có lưu lượng lớn như Trường Dạy lái xe Tiến Bộ lưu lượng 500 học viên nhưng Tiến Bộ từ lâu đã đầu tư sẵn một sân tập rộng đến mấy mẫu, nghĩa là quá thừa diện tích so với Quyết định cũ 4353 và vẫn còn rộng chán với Quyết định 55.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng đối với các cơ sở đã đầu tư, nếu đạt theo Quyết định 4353 thì Bộ GTVT nên cho tiếp tục hoạt động, chỉ khi nào không đủ diện tích sân tập lái theo Quyết định 4353 thì mới buộc phải áp dụng ngay Quyết định 55. Còn lại, bộ chỉ nên có những biện pháp khuyến khích các trường dạy lái xe đầu tư thêm theo Quyết định 55 nhưng không áp đặt kiểu mệnh lệnh hành chính.
THIỆN NHÂN