Nhằm giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong những năm qua TPHCM đã triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay một số công trình giao thông trọng điểm đang thi công ở mức cầm chừng và “trùm mền”, tiến độ bị chậm so với kế hoạch làm đội vốn, gây lãng phí…
Thi công cầm chừng và “trùm mền”
Liên tỉnh lộ 25B là tuyến đường bộ độc đạo phục vụ vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Cát Lái. Hàng ngày, tuyến đường phải gồng mình gánh chịu hàng ngàn lượt xe container lưu thông qua lại khiến tuyến đường xuống cấp nhanh chóng. Ngoài ra, do mật độ phương tiện lưu thông đông, trong khi mặt đường hẹp nên tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm sáng sớm và chiều tối.
Để giải quyết những vấn đề trên, UBND TPHCM đã lập quy hoạch triển khai dự án đầu tư mở rộng Liên tỉnh lộ 25B. Theo quy hoạch, dự án có lộ giới 60m, dài 3km (từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội), nằm trên địa bàn quận 2. Khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối với đường vành đai phía Đông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Dù dự án có tầm quan trọng như vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án mở rộng Liên tỉnh lộ 25B vẫn còn hết sức ngổn ngang và chỉ thi công ở mức cầm chừng do chờ mặt bằng. Trong khi từ cuối năm 2009, cầu Phú Mỹ chính thức thông xe, nên lượng xe tải, container vận chuyển hàng hóa lưu thông trên tuyến đường này để ra vào cảng Cát Lái và đi các tỉnh miền Tây tăng khiến tuyến đường bị quá tải và thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng.
Éo le hơn là dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch nối đường Trường Chinh (quận Tân Bình) với đường Quang Trung (quận Gò Vấp) thuộc phường 15, quận Tân Bình và phường 12, quận Gò Vấp. Dù dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt quyết định đầu tư gần chục năm nay và điều chỉnh dự toán nhằm đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay con đường dài chưa đầy 6km nằm trong khu vực nội đô thành phố chỉ mới triển khai xong nhánh 2 (từ đường Trường Chinh vào), còn 4 nhánh khác phía quận Gò Vấp và Tân Bình đang phải “trùm mền” do chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng. Điều này khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng với cảnh nắng bụi, mưa lầy…
Ngoài 2 dự án nói trên, hiện nay một số công trình giao thông trọng điểm của TP như: đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội, nút giao thông Gò Dưa, vành đai phía Đông TP… cũng đang bị chậm tiến độ.
Chưa biết ngày hoàn thành
Dù các công trình giao thông trọng điểm nói trên đã chậm tiến độ so với kế hoạch, nhưng đến nay các chủ đầu tư vẫn chưa biết thời điểm dự án hoàn thành. Ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc đầu tư kinh doanh Công ty CII (chủ đầu tư dự án mở rộng Liên tỉnh lộ 25B), cho biết: Đến nay, đơn vị thi công chỉ nhận được 61% diện tích mặt bằng của dự án. Do việc bàn giao mặt bằng theo kiểu “da beo” loang lổ khiến đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án khiến tiến độ dự án bị chậm. Việc dự án bị kéo dài thời gian thi công cũng khiến nguồn vốn thực hiện dự án tăng lên so với ban đầu do giá vật tư tăng.
“Do đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được đủ mặt bằng từ phía địa phương bàn giao nên thời gian hoàn thành dự án phụ thuộc vào việc bàn giao mặt bằng của địa phương sớm hay muộn. Nếu địa phương bàn giao mặt bằng một lượt thì khoảng một năm toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành” - ông Châu khẳng định.
Còn ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý GTĐT số 1 (Sở GTVT TPHCM), chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch, rầu rĩ: “Dù dự án đã được UBND TP phê duyệt nhiều năm nay, nhưng do tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương quá chậm, khiến đơn vị thi công không có mặt bằng để thực hiện dự án.
Trước vấn đề này, vào năm 2010, chúng tôi đã có văn bản trình UBND TP xin ngưng dự án nhưng chưa được chấp nhận và yêu cầu tiếp tục thực hiện tiếp. Vì vậy, khu đang đề xuất UBND TP cho phép giãn tiến độ thi công để chờ các địa phương bàn giao mặt bằng triển khai công tác thi công. Tuy nhiên, nếu tiến độ giải phóng mặt bằng chậm như hiện nay sẽ dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài và không biết bao giờ mới xong”.
Trước những vấn đề nêu trên, vào cuối năm 2010, khi đề cập đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, Sở GTVT TPHCM cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến các công trình giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ hiện nay do UBND các quận, huyện liên quan triển khai các thủ tục bồi thường chậm (khó khăn trong công tác triển khai Nghị định 69/CP, đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng chậm được phê duyệt, tình trạng khiếu kiện kéo dài do giá bồi thường chưa phù hợp...); công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; nguồn vốn để triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bị hạn chế.
ĐÌNH LÝ