Nhiều công trình hạ tầng giao thông ngoại thành chờ... vốn

Nhiều công trình hạ tầng giao thông ngoại thành chờ... vốn

Trong thời gian qua, việc đầu tư các công trình giao thông phục vụ cho mục tiêu nông thôn mới đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TPHCM, nhất là khu vực vùng ven và ngoại thành, tình trạng đường xuống cấp, hư hỏng vẫn còn khá nhiều.

Nhiều tuyến đường xuống cấp

Tuyến đường liên ấp 6-2 thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã xuống cấp trầm trọng do có quá nhiều phương tiện vận tải nặng đi vào các xưởng sản xuất ở hai bên đường. Tuyến đường này có điểm đầu từ đường Quách Điêu và điểm cuối là đường Kinh Trung Ương dài 2.851m, rộng 6m. Người dân sống ở hai bên tuyến đường này khá đông và phải thường xuyên chịu cảnh trời nắng thì khói bụi, mưa thì lầy lội nhớp nháp. Ông Nguyễn Thanh Vĩnh, người dân sống cạnh tuyến đường này, nói: “Chúng tôi nghe nói tuyến đường này nằm trong khu quy hoạch nên khó được sửa chữa, nhưng chính quyền phải nghĩ cách làm sao để hỗ trợ người dân đi lại, chứ đường này mỗi ngày một hư hỏng nặng hơn, chúng tôi đi lại khó khăn quá”.

Trên địa bàn quận 9 còn phường Long Phước có cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, chỉ 5 tuyến đường được nhựa hóa, tất cả các tuyến còn lại là đường đá dăm và đường đất đỏ. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, 63 tuổi, ở đường Long Phước thuộc ấp Long Đại, cho biết: “Con đường này mỗi khi mưa xuống là lầy lội, xe máy chạy qua dễ bị trượt bánh rất nguy hiểm, bà con rất mong tuyến đường này sớm được đầu tư, đường cần mở rộng bao nhiêu, tôi xin hiến đất bấy nhiêu”.

Tuyến hẻm thuộc phường 10, quận Gò Vấp, người dân đã góp tiền nâng cấp 2 lần nhưng vẫn thường xuyên bị ngập.

Hiện nay trên địa bàn huyện Củ Chi có một số tuyến đường nằm trong phạm vi quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc thành phố và một số quy hoạch khác như khu hóa dược, khu viện trường. Do những tuyến đường này nằm trong khu quy hoạch nên chưa được đầu tư, sửa chữa. Hiện tại nhiều tuyến đường đã bị xuống cấp nặng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Cũng giống như huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè có xã Hiệp Phước nằm hoàn toàn trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị Hiệp Phước và khu vực cảng Hiệp Phước. Hiện nay quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng người dân vẫn đang sống trong khu quy hoạch để chờ thực hiện. Khu quy hoạch này có nhiều tuyến đường xuống cấp nặng, thường xuyên bị ngập sâu do thủy triều.

Còn tại khu phố 7, 8, 9, phường 10, quận Gò Vấp từ nhiều năm nay thường xuyên bị ngập úng, gây ô nhiễm môi trường. Sở dĩ có tình trạng trên là do khu vực này tiếp giáp tường rào sân bay Tân Sơn Nhất, trước đây ở phía sân bay là đất trống nên nước thoát được vào khu vực sân bay. Nay nhà dân đã xây dựng kín xung quanh nên nước không có lối thoát, chỉ thoát theo kiểu tự ngấm xuống đất. Bà Nguyễn Thị Chút, Trưởng ban điều hành KP7, phường 10, quận Gò Vấp, cho biết: “Người dân đã góp tiền nâng cấp tuyến hẻm này 2 lần, mỗi lần 30 - 40cm nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ngập nước. Mỗi khi trời mưa, nước tràn vào nhà dân làm hư hỏng nhiều vật dụng và nguy cơ chập điện, điện giật luôn rình rập người dân”.

Tìm vốn ở đâu?

Khi được hỏi nguyên nhân của tình trạng nhiều tuyến đường xuống cấp như hiện nay, đa số các quận, huyện cho rằng, nguồn vốn phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng mà TP phân bổ về quận, huyện hàng năm quá ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi số lượng các tuyến đường, hệ thống thoát nước trên địa bàn cần duy tu, sửa chữa, nâng cấp khá nhiều. Đồng thời có ý kiến cho thấy việc phân bổ ngân sách hàng năm 10 tỷ đồng cho mỗi quận, huyện như hiện nay là không phù hợp. Như trường hợp của huyện Củ Chi có diện tích bằng 19 quận, huyện cộng lại, nhưng nếu vẫn tính cào bằng như các quận, huyện khác thì sẽ không công bằng. Do vậy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở Tài chính cần khảo sát tình hình thực tế tại mỗi địa phương, rồi tùy theo nhu cầu tại mỗi quận, huyện mà tính cách phân bổ nguồn vốn sao cho hợp lý nhất.

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát Hội đồng nhân dân TP gần đây, Sở GTVT cho biết, do hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn TP rất nhiều, nên sở khuyến nghị các địa phương cần sắp xếp danh mục các công trình giao thông theo thứ tự ưu tiên, để tùy theo điều kiện về nguồn vốn có phương án đầu tư thích hợp. Nên ưu tiên xây trước các công trình đường giao thông nông thôn có tính chất kết nối mạng lưới giao thông với các đường quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông lớn của TP đã đầu tư, để kích thích phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa để phát triển mạng lưới giao thông trong các trục đường xóm ấp.

Sở GTVT cho biết, đối với tuyến đường liên ấp 6-2 thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, sở đã kiến nghị ghi vốn ngân sách tập trung chuẩn bị đầu tư. Trước mắt có thể nâng cấp theo hướng phân kỳ đầu tư để giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo lưu thông (quy mô tối thiểu cũng phải có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, hỗn hợp), có hệ thống thoát nước, vì vậy tổng vốn đầu tư sẽ khá cao. Đối với các tuyến đường nằm trong khu vực quy hoạch bị hư hỏng nặng, Sở GTVT cho biết sẽ sửa chữa tạm thời để phục vụ việc đi lại của người dân. Do đó cần cân nhắc quy mô đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí và phải có biện pháp để tránh tình trạng các hộ dân tiếp cận mặt đường, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn sau này.

TPHCM đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước. Hy vọng sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành và địa phương trong việc tìm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng ngoại thành, nhanh chóng tạo ra bộ mặt mới cho giao thông và hạ tầng vùng ven TP.

ĐĂNG QUANG

Tin cùng chuyên mục