Giảm gần 300 tấn CO2 phát thải tương đương tiết kiệm gần 500 triệu kWh điện, gần 6 triệu tấn dầu, là mục tiêu mà TPHCM phải đạt được vào năm 2016. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, thành phố đang nỗ lực hướng đến hình ảnh thành phố xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh. Và để làm được điều này, bắt buộc phải cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM là một trong những đơn vị phải thực hiện tiết kiệm năng lượng từ nay đến năm 2017.
Tăng nội lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết, từ năm 2002 đến nay, TPHCM đã hỗ trợ 588 doanh nghiệp áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, chuyển đổi thành công 350 xe sử dụng xăng sang sử dụng nhiên liệu hóa lỏng. Đồng thời, triển khai dự án nghiên cứu khả thi xe máy điện giúp tiết kiệm 90% năng lượng sử dụng so với xe sử dụng xăng. Hơn 200 tòa nhà được tư vấn và triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng… Kết quả đã có gần 932 MWh điện, gần 5,7 triệu lít dầu được tiết kiệm, giúp giảm phát thải trên 600.000 tấn CO2.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa Tân Phú, cho biết, khi chưa áp dụng giải pháp tiết kiệm điện, trung bình chi phí điện năng chiếm khoảng 4% - 5% giá thành sản phẩm, khoảng 25 tỷ đồng/năm. Đó là chưa tính mức giá điện sẽ tăng thêm 7,5%. Mức chi phí này có tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hàng ngoại nhập đang tràn ồ ạt vào Việt Nam với mức thuế 0%. Do đó, để tăng nội lực cho doanh nghiệp, công ty đã đồng thời triển khai 4 giải pháp tiết kiệm năng lượng tương ứng với sự hỗ trợ từ 4 nguồn vốn của nhà nước là quỹ giảm thiểu ô nhiễm, quỹ xoay vòng vốn, quỹ xanh và quỹ tiết kiệm năng lượng. Công ty đã thay thế toàn bộ bóng đèn sử dụng nhiều năng lượng sang bóng đèn tiết kiệm điện, bọc lại hệ thống bảo ôn để giảm thất thoát nhiệt. Đặc biệt sử dụng máy tiết kiệm điện nên hạn chế đáng kể chi phí xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất…
Kết quả trung bình mỗi năm công ty tiết kiệm 4 tỷ đồng chi phí chi trả cho năng lượng, giảm được gần 700 tấn CO2. So với doanh nghiệp có lợi nhuận chỉ hơn 10 tỷ đồng/năm thì chi phí tiết kiệm được là rất lớn. Tương tự, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng Công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp in bao bì, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn… đã đạt lợi nhuận cao nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, so với hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, số doanh nghiệp tham gia áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng còn rất khiêm tốn.
Chế tài doanh nghiệp chây ì
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, chúng ta có quy định về việc doanh nghiệp trọng điểm sử dụng nhiều năng lượng phải có báo cáo giải pháp tiết kiệm năng lượng hàng năm. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp chấp hành quy định này. Việc xử lý cũng khó khăn do chưa có biện pháp chế tài chặt chẽ. Đại diện Trung tâm kỹ thuật nhựa, chất dẻo và tiết kiệm năng lượng, Sở Công thương nhấn mạnh, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn tiết kiệm năng lượng cho nhiều cán bộ các doanh nghiệp, sở ban ngành. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề này nên chỉ cử người tham gia cho có, còn lại không được triển khai áp dụng tại đơn vị.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, TPHCM là một trong 10 thành phố có chất lượng ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ nguyên nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá lớn. Lượng khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và sản xuất không được xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Do vậy, để đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, tăng trưởng kinh tế xanh, cần thiết phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch. Việc tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp, người dân và góp phần tác động tốt đến môi trường của thành phố, xây dựng thành phố xanh.
Theo mục tiêu mà UBND TP đặt ra, từ nay cho đến năm 2017, các đơn vị là tổng công ty nhà nước, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (HEPZA), cơ sở y tế, trường học phải tiên phong cam kết thực hiện tiết kiệm năng lượng. Hiệu quả tiết kiệm sẽ được xem là chỉ tiêu đánh giá thi đua cho từng đơn vị. Riêng đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu, tiết kiệm năng lượng là một chỉ tiêu phải làm mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước không thực hiện tiết kiệm thì sẽ bị chế tài cụ thể bằng cách không được xét thi đua.
MINH XUÂN - MINH HẢI