Tại hội nghị sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, nhiều đại biểu tham dự bày tỏ bức xúc khi nhận định rằng, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất. Cao hơn nữa là chưa quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên và thân thiện với môi trường.
PGS-TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, hiện thành phố đã có 14/14 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất bình quân là 44.000m³/ngày trên tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải tập trung là 70.300m³/ngày. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra định kỳ của ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp đối với nước thải sau xử lý tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa đạt quy chuẩn môi trường từ 1 - 2 chỉ tiêu.
Mặt khác, trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có 341 nguồn phát sinh bụi, khí thải, mùi hôi. Trong đó có 266 nguồn thải đã được DN đầu tư hệ thống xử lý khí thải, còn 77 nguồn chưa có hệ thống xử lý bụi khí thải chiếm 23%. Các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM có 395/1.123 DN, chiếm 35% có vi phạm về ô nhiễm nước thải, khí thải. Không chỉ vậy, từ năm 2006, TPHCM đã phối hợp triển khai chương trình sản xuất sạch hơn cho DN. Hơn 500 DN đã được tư vấn sản xuất sạch hơn. Thế nhưng, chỉ có 40 DN thực hiện giải pháp sản xuất sạch hơn.
Thực tế này cho thấy vẫn còn rất nhiều DN chưa quan tâm đến vấn đề phát triển xanh. Lý giải thực tế, theo PGS-TS Lê Văn Khoa, đó là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo DN sản xuất chưa cao, chưa quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường. Mặt khác, để đầu tư phát triển xanh đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn mà không phải DN nào cũng đáp ứng được.
Đồng quan điểm này, ông Trần Minh Văn, Giám đốc điều hành dự án, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết, bảo vệ môi trường là một trong 5 yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện chính sách trách nhiệm xã hội DN của Vinamilk. Tuy nhiên, để thực hiện được yếu tố này, Vinamilk đã đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại theo hướng tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu và giảm thiểu phát sinh chất thải.
Cụ thể, tại các nhà máy của công ty đều áp dụng công nghệ và giải pháp tái sử dụng lại nguồn nước thải sau xử lý để vệ sinh nhà xưởng, thu hồi nguồn nước nóng trao đổi nhiệt sau chế biến sử dụng cho sinh hoạt, đầu tư trang bị hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, tái sử dụng bùn thải sau xử lý nước thải thành phân bón vi sinh phục vụ cho các hoạt động trồng cây… Không chỉ vậy, Vinamilk còn kết nối trách nhiệm xã hội với các đơn vị cung cấp sản phẩm nguyên liệu cho Vinamilk. Theo đó, để trở thành nhà cung ứng nguyên liệu cho Vinamilk, các DN này cũng phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện được những vấn đề trên, Vinamilk cũng gặp khó khi chi phí đầu tư ban đầu luôn tăng hơn đầu tư bình thường khoảng 30%. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại trên thế giới và cam kết trách nhiệm bảo vệ môi trường là một trong những cam kết để sản phẩm Việt Nam được tham gia sâu vào thị trường thế giới.
Để có thể đẩy mạnh sản xuất xanh hướng đến tăng trưởng bền vững, nhiều đại biểu cho rằng, về cấp thành phố cần triển khai tốt chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, trong đó phải đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong cộng đồng, xanh hóa lối sống, thực hiện mua sắm công xanh… và trước hết phải định dạng sản phẩm xanh bằng hệ thống chứng nhận, nhãn sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận diện và ưu tiên thực hiện tiêu dùng bền vững.
MINH XUÂN