Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Sài Gòn: Đe dọa nguồn nước sinh hoạt

Bị xử phạt vẫn tiếp tục gây ô nhiễm
Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Sài Gòn: Đe dọa nguồn nước sinh hoạt

Trong 3 năm trở lại đây, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM liên tục gửi công văn đến các cơ quan chức năng phản ánh nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt tại sông Sài Gòn liên tục gia tăng ô nhiễm. Nếu tình trạng này không sớm chấm dứt thì với công nghệ xử lý nước hiện tại chủ yếu bằng phương pháp lắng lọc, rất khó để đảm bảo chất lượng nước cấp sinh hoạt đạt tiêu chuẩn.

Trước thực tế bức xúc đó, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã thực hiện điều tra các nguồn thải ra sông Sài Gòn. Cho đến nay đã có nhiều doanh nghiệp (DN) bị phát hiện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chất lượng nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu.

Ô nhiễm sông Sài Gòn khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân TPHCM bị đe dọa. Ảnh: Kim Ngân

Ô nhiễm sông Sài Gòn khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân TPHCM bị đe dọa. Ảnh: Kim Ngân

Bị xử phạt vẫn tiếp tục gây ô nhiễm

Những DN bị phát hiện trong đợt này là Tổng Công ty Việt Thắng (127 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức), Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam, Công ty TNHH Sedovina (176 Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp), Công ty TNHH SXTM Tân Vĩnh Phát, huyện Bình Chánh, Công ty cổ phần Nhà hàng Nam - Bắc White Palace quận Phú Nhuận, Nhà máy bia Vinaken, Công ty TNHH Phạm Thu, Công ty TNHH MTV CNTP Việt Hùng, huyện Hóc Môn, Công ty TNHH siêu thị BigC An Lạc, Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân…

Các công ty này có khối lượng nước thải ra môi trường hàng ngày rất lớn, từ hơn 100m3 đến hơn 1.000m3nước/ngày đêm. Trong thành phần nước thải chứa các chất ô nhiễm COD, BOD và SS. Trong đó, có trường hợp Công ty TNHH Phạm Thu, Công ty cổ phần Nhà hàng Nam - Bắc White Palace đã từng bị thanh tra xử phạt nhiều lần, thậm chí bị UBND TPHCM ra quyết định buộc ngưng hoạt động, nhưng không hiểu sao đến nay các đơn vị vẫn đang hoạt động bình thường. Trường hợp Công ty TNHH SXTM Tân Vĩnh Phát từng bị huyện Bình Chánh kiểm tra xử lý nhưng hiện công ty vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Riêng trường hợp của Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam, mặc dù thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức kiểm tra nhiều lần nhưng lần nào kiểm tra công ty này cũng ở trong tình trạng… ngưng hoạt động.

Ô nhiễm đe dọa nguồn nước cấp sinh hoạt

Lý giải thực tế còn nhiều DN chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận huyện cho rằng do việc xử lý DN vi phạm môi trường còn nhiều bất cập. Cụ thể, có quá nhiều đoàn thanh tra môi trường nhưng lại tập trung kiểm tra một số DN nhất định, thay vì phải phân tán rộng số lượng DN bị kiểm tra. Hơn nữa, hiện đã có quy định cưỡng chế buộc ngưng hoạt động tại các DN tái vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng việc triển khai tại các quận huyện còn gặp nhiều lúng túng. Biện pháp cưỡng chế đơn giản nhất là phối hợp với các công ty điện lực cắt điện DN gây ô nhiễm, nhưng có quận thực hiện được, có quận lại không. Kết quả, dù bị phát hiện nhưng khó xử lý triệt để hành vi vi phạm môi trường của họ.

Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết kết quả là chất lượng nước sông Sài Gòn liên tục trong tình trạng ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong 2 năm lại đây, nồng độ các chất COD, BOD và Coliform nhiều lần không đạt tiêu chuẩn nước lấy phục vụ mục đích sinh hoạt. Thậm chí, trong thành phần nước đã xuất hiện một số kim loại nặng như Fe, Mn. Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết thêm, kết quả quan trắc chất lượng nước tại khu vực lấy nước phục vụ mục đích sinh hoạt gần đây nhất cho thấy, chất lượng nước thô vẫn đang bị ô nhiễm, vượt tiêu chuẩn cho phép. Đáng lo ngại nhất là ô nhiễm dầu, BOD, COD và vi sinh và mức ô nhiễm cao hơn so với cùng kỳ năm 2010 từ 1 đến hơn 3 lần. Đại diện Tổng Công ty Cấp nước TPHCM lo ngại, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì một là phải dời trạm lấy nước thô sâu hơn về phía thượng nguồn hoặc phải đầu tư lại nhà máy xử lý nước sinh hoạt bằng công nghệ cao hơn, hiện đại hơn. Đến lúc đó, khó tránh khỏi việc phải tăng giá nước sinh hoạt.

Để xử lý triệt để tình trạng DN gây ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết trong thời gian tới, một mặt sở tiếp tục điều tra, thống kê DN đã và đang xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra kênh rạch dẫn ra sông Sài Gòn. Trường hợp những DN bị phát hiện vi phạm môi trường sẽ xử lý thật kiên quyết. Ngoài ra, hiện sở đang xúc tiến làm việc với quận huyện và các cơ quan chức năng liên quan đến thống nhất biện pháp cưỡng chế với những DN tái vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có như vậy mới sớm xử lý triệt để nguồn thải gây ô nhiễm sông Sài Gòn.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục