Nhiều doanh nghiệp xoay trở tìm nguyên liệu

60% nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước là từ nhập khẩu. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là chu kỳ nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, năm nay nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khi hầu hết giá nguyên liệu tăng khá cao.

Quay về với nguồn cung trong nước

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu giao trong tháng 4 đã tăng hơn 30% so với cuối năm 2020. Trong tháng 5, giá hạt nhựa ABS đã lập mức giá kỷ lục sau 12 tháng leo dốc liên tiếp, tăng khoảng 130%-145%, tùy thị trường. Ngoài ra, những loại nguyên liệu nhựa khác như hạt nhựa nguyên sinh GPPS, HIPS… cũng tăng giá từ 100%-120%. Việc tăng giá này đã làm cho nhiều DN choáng váng trong bối cảnh sức mua đang đi xuống.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cũng thông tin tương tự, nhưng cho biết có tin đáng mừng. Đó là trước đây, DN chế biến lương thực thực phẩm phải nhập tới 60% nguồn nguyên liệu sản xuất nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 đến nay, nhiều DN đã quay trở lại tìm nguồn nguyên liệu chế biến trong nước. 

Là một trong những DN sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) luôn cần một lượng lớn sữa tươi để sản xuất. Để chủ động nguồn cung, đơn vị đang hợp tác cùng 6.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, đồng thời đầu tư xây dựng 13 trang trại bò sữa kết hợp với việc sáp nhập Công ty Mộc Châu Milk để có tổng đàn bò sữa 150.000 con.

Chưa dừng lại đó, gần đây Vinamilk đã chính thức đưa vào khai thác trang trại bò sữa đầu tư tại Lào với quy mô đàn bò lên đến 8.000 con. Trang trại có thể cung cấp hơn 120 tấn sữa/ngày, tương đương gần 44.000 tấn sữa/năm, bổ sung lượng lớn nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy của Vinamilk tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, giúp công ty chủ động hơn với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

Nhiều doanh nghiệp xoay trở tìm nguyên liệu ảnh 1 Vinamilk đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào 
để chủ động cung ứng nguyên liệu sản xuất
Cùng với Vinamilk, nhiều DN sản xuất lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cũng đã quay về tìm nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Trước khi xảy ra dịch bệnh, các DN này thường ưu tiên chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu vì giá rẻ. Hiện giá nguyên liệu trong nước vẫn cao, song mua hàng trong nước DN tiết kiệm được chi phí vận chuyển. 

Cũng phải nói thêm rằng, cơ quan chức năng và nhiều địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ nông hộ liên kết thành các hợp tác xã, DN liên doanh để cung ứng ổn định nguyên liệu với số lượng lớn cho DN. Đây cũng là yếu tố quan trọng để DN quay về với nguồn nguyên liệu trong nước. 

Tuy nhiên, với những nguyên liệu trong nước không sản xuất được, DN buộc phải nhập khẩu với giá cao. Những nguyên liệu đó là chất bảo quản, màng nhựa PVC… Đáng lo ngại, giá nguyên liệu này hiện đã tăng đến vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của thị trường - vốn đang giảm mạnh do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. 

Linh hoạt chuyển đổi sản phẩm

 Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, trong trường hợp DN buộc phải nhập khẩu nguyên liệu thì thị trường phải chấp nhận việc hàng hóa tăng giá. Trên thực tế, sự đứt gãy chuỗi cung ứng cộng với việc các nước gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế chống bán phá giá… sẽ còn làm tăng giá nguồn nguyên liệu trên toàn cầu trong thời gian tới. Việc tăng giá bán sản phẩm do giá nguyên liệu tăng sẽ gây ra những cú sốc ngắn hạn cho thị trường. Khảo sát hiện nay cho thấy, giá thành nguyên liệu cung ứng từ thị trường Trung Quốc vẫn có giá tốt hơn các thị trường khác. Do đó, DN ngoài việc tìm kiếm thêm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu cần có những cuộc đàm phán và ký kết chắc tay hơn đối tác cung ứng từ thị trường Trung Quốc. 

TS Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho DN. Với doanh nghiệp FDI hoạt động theo chuỗi cung ứng thì việc tăng giá nguyên liệu luôn có lộ trình cam kết cũng như quy định chặt chẽ nên mức độ thiệt hại trên thị trường sẽ không đáng kể. 

Với các DN còn lại, theo TS Huỳnh Thanh Điền, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh các gói hỗ trợ, nhất là gói hỗ trợ lãi suất vay. Mặt khác, chính sách giãn thuế, giảm thuế cần triển khai hiệu quả hơn. Có 2 việc mà các DN đang rất cần bởi quyết định đến sự sống còn là Nhà nước sớm giảm thuế VAT và hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các DN cũng phải thấy rằng nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ hạn chế và khó để đáp ứng đủ cho các DN trong bối cảnh nguồn thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, DN cần chủ động giảm chi phí cố định, tận dụng tối đa chính sách cho phép giãn, chậm nộp thuế. Và quan trọng nhất là linh hoạt chuyển đổi sản phẩm sản xuất cho phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Tin cùng chuyên mục