
Mỗi tấc đất ở TPHCM có thể coi là mỗi tấc vàng. Chính vì điều này mà thật bất ngờ khi kết quả kiểm tra quỹ đất đang được các tổ chức quản lý và sử dụng do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tiến hành lại cho thấy, nhiều khu đất tại TPHCM chưa được sử dụng hiệu quả.
Sử dụng đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính

Một số dự án khu dân cư ở quận 9 TPHCM chưa sử dụng đất có hiệu quả. Ảnh: Thành Tâm
“Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính” là cụm từ được lặp đi lặp lại rất nhiều trong báo cáo kết quả kiểm tra quỹ đất đang được các tổ chức quản lý và sử dụng do Sở TN-MT thực hiện.
Theo báo cáo này, đối với nhóm đất nông nghiệp, chỉ có phần đất lâm nghiệp có diện tích khoảng 33.624 ha chủ yếu do Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ quản lý mang lại hiệu quả thiết thực cho thành phố. Các khu rừng này thực sự là lá phổi xanh, mát cho thành phố.
Các khu đất nông nghiệp khác được giao cho Công ty TNHH một thành viên Bò sữa, Công ty TNHH một thành viên Cây trồng… cũng được sử dụng khá tốt.
Riêng phần đất nông nghiệp, khoảng 825,66 ha do một số UBND cấp xã quản lý thì còn nhiều tồn tại do một phần đã được cho người dân thuê, mượn để kinh doanh, phần khác đã được dùng vào mục đích phát triển đô thị… mà chính quyền địa phương chưa bao quát hết được.
Với những năm trước, khi Luật Đất đai 1993 còn hiệu lực thì việc này chưa là vấn đề bởi đất nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp sản xuất kinh doanh được sử dụng ở chế độ giao đất, không thu tiền sử dụng đất. Thế nhưng, khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, đất nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp sản xuất kinh doanh phải chuyển sang chế độ cho thuê đất (trừ trường hợp làm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) thì đây là thực trạng đáng lưu tâm.
Đối với đất phi nông nghiệp, ngoài phần đất dành làm trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, đất an ninh, quốc phòng không phải đóng tiền sử dụng đất theo luật định thì còn có nhiều diện tích đất nằm trong diện phải đóng tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất hàng năm (đã được giao cho các tổ chức kinh tế khai thác) chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Thậm chí, nhiều khu đất còn bị bỏ trống. Theo báo cáo của Sở TN-MT, còn có tới 257ha chủ yếu do UBND cấp xã quản lý chưa giao, chưa cho thuê, chưa có người sử dụng. Sở TN-MT cũng cho biết có 322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đang quản lý, sử dụng 3.248 khu đất tương ứng diện tích 1.779,58ha cho các mục đích xây trụ sở UBND cấp xã, trạm xá, trụ sở khu phố…
Về việc này, Sở TN-MT cho rằng, nên rà soát lại quỹ đất trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, phần dôi ra phải được đưa vào quỹ đất làm nhà tái định cư, trường học… phục vụ lợi ích cộng đồng. 202,32ha đất an ninh, quốc phòng sử dụng kết hợp mục đích kinh tế, theo Luật Đất đai 2003 phải nộp tiền sử dụng đất hoặc thuê đất song trên thực tế cũng còn nhiều nơi chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Gần 80 ha đất cho thuê trái phép
Con số chính xác là 78,78ha đất đang được nhiều tổ chức cho thuê trái phép. Tổ chức cho thuê đất trái phép nhiều nhất là các tổ chức kinh tế với 64,33ha đất trong đó các công ty cổ phần cho thuê tài sản gắn liền với đất chiếm diện tích 52,12 ha. Kế đến là UBND cấp xã cho thuê 7,666 ha, các cơ quan nhà nước cho thuê 3,48ha, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cho thuê 0,003ha.
Theo Sở TN-MT, nguyên nhân của tình trạng này là giá cho thuê đất của Nhà nước (đối với các tổ chức cho thuê nhà đất trái phép) còn thấp, nhất là đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản.
Điều này đã tạo điều kiện cho các tổ chức (cho thuê nhà đất trái phép) cho các đơn vị khác thuê lại nhà, đất để hưởng chêch lệch giá. Hay như việc Nhà nước giao đất cho các đơn vị không có nhu cầu sử dụng đất hoặc giao đất quá nhu cầu sử dụng cũng là một nguyên nhân.
Riêng đối với tình trạng các công ty cổ phần cho thuê tài sản gắn liền với đất trái phép đến 52,12 ha lại có nguyên nhân từ… việc cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa các công ty thành viên đã khiến cho việc sử dụng đất cho kinh doanh sản xuất ở Tổng Công ty Mía đường 2 tại quận 4 thay đổi là một ví dụ.
Hậu quả không gì khác hơn của tình trạng này là không những ngân sách nhà nước thất thu tiền sử dụng đất mà TPHCM lại thiếu đất để xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhân dân.
Bên cạnh con số 78,78ha đất cho thuê trái phép còn có con số 3.182,6ha đất đã có dự án đầu tư nhưng chậm tiến độ xây dựng. Đây cũng là một sự lãng phí vì dự án không được triển khai đồng nghĩa với việc “đất không làm ra tiền”.
Sở TN-MT cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là giá thuê đất tại các dự án còn thấp nên dù bỏ trống nhưng các tổ chức được giao đất cũng không thấy áp lực nhiều về tài chính.
Các tổ chức quản lý, sử dụng 31% diện tích đất thành phố
Toàn thành phố có 6.078 tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất đã kê khai với tổng số 20.087 khu đất tương ứng diện tích 64.695, 07 ha, chiếm 31% diện tích đất toàn thành phố trong đó đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối chiếm 8.329,05 ha, đất lâm nghiệp chiếm 33.624,75 ha, đất phi nông nghiệp chiếm 20.901 ha.
Như vậy, trung bình mỗi quận, huyện có 863 khu đất do các tổ chức quản lý, sử dụng; cao nhất là quận 1 với 1.667 khu đất, kế đến là quận Thủ Đức có 1.374 khu đất; thấp nhất là quận 2 với 271 khu đất, huyện Cần Giờ 261 khu đất, huyện Nhà Bè 225 khu đất. Ở cấp xã, trung bình mỗi xã có 62 khu đất do tổ chức quản lý, sử dụng trong đó cao nhất là phường Bến Nghé (quận 1) có 495 khu đất do tổ chức đang quản lý, sử dụng.
Các tổ chức đang sử dụng nhiều đất gồm có: các công ty công ích các quận, huyện nắm 1.347 khu với 203,63ha, Công ty Quản lý và Phát triển đô thị quận 9 nắm 633 khu đất với 203,20ha, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn có 29 khu đất với 166,50ha, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Quới nắm 609 khu đất với 102,06ha, Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà thành phố nắm 1.081 khu đất với 44,51ha, Tổng Công ty Lương thực miền Nam-Công ty Lương thực thành phố nắm 116 khu đất với 18,88ha, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn nắm 38 khu đất với 10,52ha, Công ty Kho bãi thành phố nắm 62 khu đất với 8,06ha.
Chuyển dần không thu tiền sang có thu tiền
Sở TN-MT TPHCM đã kiến nghị chuyển dịch dần nhóm đất “giao, công nhận không thu tiền” sang nhóm đất “giao, công nhận có thu tiền sử dụng đất” hay thuê đất có trả tiền hàng năm; về lâu dài nên hình thành một khu hành chính cho từng cấp chính quyền nhằm tiết kiệm quỹ đất, rút ngắn thời gian đi lại làm hồ sơ của người dân; đối với các đơn vị sự nghiệp, nghiên cứu khoa học thì giữ hình thức giao đất không thu tiền nhưng đối với đơn vị hoạt động công ích, dịch vụ công, các tổ chức y tế, giáo dục, văn hóa có doanh thu lớn thì chuyển sang giao đất có thu tiền hay thuê đất trả tiền hàng năm; cần có khung đơn giá cho thuê đất rộng để chính quyền chủ động khi áp dụng, đối với vài lĩnh vực cần cho thuê sát giá thị trường; truy thu tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê lại đất trái pháp luật.
NGUYỄN KHOA