(SGGP).- Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng tệ nạn xã hội tràn lan, theo sự chỉ đạo của UBND TPHCM, ngày 7-6, Sở LĐTB-XH cùng các sở, ban, ngành TPHCM và quận, huyện có buổi làm việc nhằm đưa ra các giải pháp chuyển hóa mạnh địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP.
Các đại biểu phản ánh, theo quy định, công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” rất dễ dàng nhưng khi các cơ sở biến tướng, có các hành vi khiêu dâm, kích dục, việc rút giấy phép vô cùng gian nan bởi khiêu dâm, kích dục chưa phải là… mại dâm!
Trên thực tế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở có hành vi kích dục, khiêu dâm chưa được thi hành thì đối tượng vi phạm đã cho người thân đứng ra xin GCNĐKKD khác để tiếp tục hoạt động “nhạy cảm”; biến tướng phức tạp với các hình thức như: nhờ các công ty ở tỉnh, thành khác xin lập chi nhánh ở TPHCM.
Thực chất, chi nhánh đó có hoạt động kích dục, khiêu dâm, thậm chí đối tượng lập công ty TNHH MTV nhưng bên trong là cà phê ôm… Trong khi đó, mỗi khi đang thụ lý hồ sơ, xử lý vụ việc thì… luôn có các cuộc điện thoại của lãnh đạo các nơi gọi đến xin tha. “Cứ 10 vụ thì có đến 5 vụ có sự can thiệp như vậy” - đại diện quận 8 bức xúc.
Các đại biểu cho rằng, trong việc xử lý các cơ sở vi phạm, vấn đề là… ở chính nội bộ của mình. Phải “mạnh” hơn nữa đối với chính lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm; không thể cứ để cảnh người dân thì thấy (cơ sở có kích dục, khiêu dâm) mà cán bộ lại… không thấy!
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Minh bổ sung: Ở địa bàn, để xảy ra tệ nạn mại dâm khiến dư luận bức xúc tức là Đảng bộ, chính quyền vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm. Đảng bộ cứ trong sạch, vững mạnh, tại sao địa bàn vẫn phức tạp về mại dâm? Vì thế, cơ sở phải bố trí lực lượng cán bộ đủ “mạnh”, “dũng cảm” và “sạch” thì mới làm sạch được địa bàn!
Tại buổi làm việc, đại diện quận 8, 11, Bình Tân chia sẻ một số kinh nghiệm như: vận động người cho thuê nhà cắt hợp đồng đối với người thuê nhà để xảy ra tệ nạn mại dâm; bố trí cảnh sát, dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố chốt tại khu vực nhạy cảm nhằm răn đe cơ sở kinh doanh nghi vấn có kích dục, khiêu dâm cũng như hạn chế “khách ham vui”; bố trí cảnh sát giao thông tại gần các cơ sở “nhạy cảm” để xử phạt tình trạng “quá chén”; treo băng rôn cảnh báo tại địa bàn phức tạp; yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” ký cam kết không để xảy ra tệ nạn mại dâm và dán bản cam kết đó ngay mặt tiền cơ sở để người dân giám sát; phát động quần chúng tố giác các biểu hiện sai trái, vi phạm thuần phong mỹ tục của cơ sở kinh doanh…
Nhằm hạn chế tình trạng hoạt động tràn lan mà không quản lý được, đại diện Sở KH-ĐT TPHCM tư vấn: ngoài các loại hình như kinh doanh vũ trường, karaoke, bar, dịch vụ xoa bóp, cơ sở lưu trú du lịch thuộc thẩm quyền của TP, các quận huyện nên quy hoạch các loại hình như: hớt tóc, cà phê… sau đó gửi về để sở, khi cấp GCNĐKKD, sẽ chiếu theo mà không cấp GCNĐKKD cho các cơ sở “nhạy cảm” ở các khu vực đã quy hoạch.
Trước tình trạng tệ nạn ma túy phức tạp như Báo SGGP đã phản ánh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM đang xác lập các chuyên án điều tra, bóc gỡ các đối tượng “đầu nậu” ma túy tại các địa bàn phức tạp trên địa bàn TP. Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68), Công an TPHCM phối hợp cùng quận 8 nắm lại tình hình phức tạp về ma túy ở ven kênh trên tuyến đường Phạm Duy (phường 12, quận 8). Dịp này, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch về mở đợt cao điểm đấu tranh tội phạm, tệ nạn ma túy, kéo dài đến ngày 30-6. |
Đ.Loan