Nhiều hợp tác xã cầm cự qua ngày

Miền Trung có nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động yếu kém, bế tắc, thiếu vốn… nhưng bỏ thì thương, vương thì tội. Nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó tập trung vào hai vấn đề chính: giải cứu và giải thể. Nhưng xem ra các phương án này vẫn chưa tìm được sự thống nhất.

Miền Trung có nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động yếu kém, bế tắc, thiếu vốn… nhưng bỏ thì thương, vương thì tội. Nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó tập trung vào hai vấn đề chính: giải cứu và giải thể. Nhưng xem ra các phương án này vẫn chưa tìm được sự thống nhất.

        Những HTX nhiều... “không”!

Hợp tác xã (HTX) đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản ở xã Bình Chánh (Quảng Ngãi) hoạt động đã hơn hai năm. Mặc dù là mô hình HTX đánh bắt xa bờ đầu tiên của cả nước, nhưng sau khi “sinh” ra đến giờ, HTX này vẫn hoạt động nhiều… không: không trụ sở làm việc, không thiết bị liên lạc, không vốn… Chủ nhiệm HTX, ông Nguyễn Hữu Ngọt, thở dài: “Không vốn nên cái gì cũng bí, trong khi phương án vay đem lên ngân hàng bị ách lại do không có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh”. Theo ông Ngọt, nếu có vốn, HTX làm ăn khấm khá, bởi lẽ, theo đề án đưa ra, HTX sẽ hỗ trợ vốn, dịch vụ hậu cần cho xã viên ra khơi. Khi tàu ngư dân quay về, HTX sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, sẽ giúp ngư dân không bị o ép và phụ thuộc quá nhiều vào các “đầu nậu” hải sản. Cùng tình trạng này là HTX dịch vụ thủy sản Đức Phong (huyện Mộ Đức) cũng “trắng” tất cả từ trụ sở, bộ máy đến xã viên, việc làm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Minh Sơn, Phó phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn, cho biết: “Huyện đã có công văn đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trước mắt hỗ trợ 2 máy Icom cho HTX; còn về vốn vay, HTX sẽ được cho vay khoảng 5 tỷ đồng, với điều kiện HTX đã có trụ sở và phương án hoạt động kinh doanh”.

Theo thống kê, trong tổng số 272 HTX của tỉnh Quảng Ngãi, chỉ có 24 HTX điển hình; khoảng 110 HTX khá, trung bình. Còn lại hơn 50% là HTX yếu, kém. Ông Lê Hạnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Đại đa số các HTX nông nghiệp hiện nay sống nhờ vào thủy lợi phí. Các HTX yếu kém thuộc lĩnh vực thủy sản, vận tải thì hầu như hoạt động cầm chừng, thoi thóp”. Tại Quảng Nam, toàn tỉnh có 119 HTXNN, trong đó tốt, khá chiếm 45,5%; trung bình 39% và yếu 19,7%. Ở Bình Định hiện nay có đến 166 HTXNN, thế nhưng trong số này, những HTX được đánh giá đang sống khỏe chỉ đếm được trên đầu ngón tay, số ít khác đang hoạt động cầm cự để tồn tại, còn lại phần nhiều đang thoi thóp.

        Giải thể?

Ông Nguyễn Thanh Tài, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam, thẳng thắn: “Đối với những HTXNN yếu kém, quan điểm của tôi là giải thể”. Theo ông Tài, HTX yếu kém không vay được vốn bởi tài sản trống rỗng, không có phương án làm ăn hiệu quả. Do đó nếu có đưa vốn về, các HTX này cũng làm mất trong nay mai thôi. HTX là tổ chức kinh tế của các thành viên, cụ thể là tổ chức kinh tế của nông dân. Do vậy xã viên phải góp vốn, lúc đó HTX sẽ có nguồn vốn để mua sắm, kinh doanh.

Trong khi đó, ông Ngô Thanh Lý, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bình Định, khẳng định: “Muốn đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cần phải củng cố các HTXNN. Do đó, câu trả lời của chúng tôi là: Giải cứu!”. Theo ông Lý, để gỡ khó cho các HTXNN trên địa bàn, Bình Định đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng từng khó khăn để tìm ra động lực nhằm vực dậy hoạt động của hệ thống HTXNN. Về nguồn nhân lực, Bình Định sẽ tăng cường đào tạo cán bộ HTX bằng chính sách hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ HTX đi học. “Khởi đầu lộ trình này, hiện chúng tôi đã đào tạo được 152 cán bộ HTXNN trình độ trung cấp, 50 cán bộ đạt trình độ đại học. Ngoài ra, Bình Định còn quan tâm đào tạo cho cán bộ HTXNN qua những lớp đào tạo ngắn ngày về các kỹ năng có liên quan đến hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp thông tin về thị trường, tạo điều kiện cho các HTXNN có điều kiện tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ”. Cũng theo ông Lý, Bình Định đang khẩn trương triển khai Luật HTX 2012, Bộ luật HTX sửa đổi này sẽ tạo chuyển đổi về hình thức lẫn động lực mới trong hoạt động của các HTXNN. Đồng thời, Bình Định đang xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với nguồn vốn được UBND tỉnh phê duyệt 10 tỷ đồng, trong năm 2013 giải ngân 5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các HTXNN khó khăn về vốn hoạt động.

Phong trào hợp nhất các HTXNN ở Bình Định làm mạnh trong năm 2011 với 23 đơn vị. Sau khi hợp nhất, vốn quỹ của HTX được tập trung, nguồn nhân lực vừa tinh gọn vừa chắt lọc, địa bàn được mở rộng tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ hoạt động hiệu quả”.

Năm 2012, Quảng Ngãi cũng khởi động mô hình hợp nhất các HTXNN yếu thành HTX Dịch vụ nông nghiệp - nông thôn tại xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh). Sau 9 tháng hoạt động, đến nay bộ máy quản lý của HTX đã đi vào ổn định với cách quản lý phù hợp với mô hình mới, hình thức hoạt động cũng được cải cách.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục