Nhiều khu đất của EVN “trống” cơ sở pháp lý

(SGGP).- “Nhiều khu đất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên địa bàn TPHCM hiện không xác định được cơ sở pháp lý” - đó là thông tin được đưa ra trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu QH TPHCM về tình hình quản lý và sử dụng đất của EVN chiều 7-7.

Cụ thể, trong hơn 120 cơ sở được EVN kê khai để báo cáo với đoàn giám sát có gần 20 cơ sở được chính EVN xác định đặc điểm về pháp lý là “không”. Trong đó, nhiều cơ sở có diện tích đất lớn tại các quận trung tâm như: Khu đất số 7 (3.350m2) tại số 3 Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành, quận 1; khu đất số 9 (2.872m2) ở đường Trần Não, phường Bình Khánh, quận 2; khu đất số 45 (3.627m2) ở 100/338A Thích Quảng Đức, P5, Phú Nhuận; khu đất số 1 (2.000m2) tại 122 Phạm Thế Hiển, P2, quận 8; khu đất số 16 (1.568m2) ở 132 Nguyễn Tri Phương, P9, quận 5; khu đất số 40 (2.944m2) ở 162 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh…

Không chỉ “trống” cơ sở pháp lý trong việc sử dụng đất, việc tồn tại “nhà ở trong trụ sở văn phòng” của EVN trên địa bàn TPHCM cũng là vấn đề cần sớm tháo gỡ.

Điển hình là khu đất số 4-6 Nguyễn Siêu, phường Bến Nghé, quận 1. Khu đất này có diện tích 1.755m2. Nhiều năm qua, đây không chỉ là văn phòng của Điện lực Sài Gòn, Trung tâm VN-CNTT mà còn là nơi ở của 59 hộ dân trong ngành điện. Lãnh đạo EVN cho biết, đã có nhiều cuộc làm việc nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.

Theo ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Bé, EVN cần nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn về cơ sở pháp lý để không chỉ sớm ổn định cuộc sống của các hộ dân ở đây mà quan trọng hơn là sử dụng và khai thác có hiệu quả tài sản của Nhà nước. Việc EVN đang có nhiều công trình trên diện tích đất thuê của các đơn vị, công ty cũng cần được xác định rõ trách nhiệm, quyền sử dụng để tránh chồng chéo, gây thất thoát, khó khăn lẫn nhau nhất là khi triển khai các dự án.

EVN cũng là đơn vị có cơ sở nhà đất khá lớn trên địa bàn TPHCM. Ngoài các cơ sở có nguồn gốc sử dụng đất được Nhà nước giao, có nhiều cơ sở thuê đất của Nhà nước với diện tích lớn.

Nhận định về buổi giám sát tại EVN, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, mặc dù báo cáo của EVN khá chi tiết song, đó mới chỉ là sự liệt kê “giống như bảng phụ lục” các cơ sở đất đai đang được EVN sử dụng tại TPHCM. Ông đề nghị EVN làm rõ tình hình sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao của EVN, trong đó có việc sử dụng đất của các công ty cổ phần thuộc EVN trên địa bàn TPHCM để Đoàn ĐBQH TPHCM hoàn tất báo cáo, từ đó có những kiến nghị cụ thể.

Về sự khẳng định “quỹ đất hiện có đã được EVN sử dụng hiệu quả để phục vụ sản xuất kinh doanh, không có tình trạng sử dụng sai mục đích, gây thất thoát lãng phí” của ông Đinh Quang Chi, Phó Tổng Giám đốc EVN, tại buổi giám sát, TS Trần Du Lịch cho biết, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ báo cáo lại tình hình như vậy. “Nhưng nếu thực tế không đúng như thế, mà có tình trạng sử dụng sai mục đích thì EVN phải chịu trách nhiệm” - TS Trần Du Lịch cũng nói thêm.

L.Minh

Tin cùng chuyên mục