Nhiều khu du lịch sinh thái tự phát “mọc” trên đất nông nghiệp

Thời gian gần đây, một số mô hình phát triển du lịch sinh thái (homestay) tự phát mọc lên trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã thu hút rất đông người dân và du khách đến trải nghiệm.
Du khách đến homestay Tiệm Nhà Đô giữa cánh đồng lúa tại thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Du khách đến homestay Tiệm Nhà Đô giữa cánh đồng lúa tại thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến, qua giám sát tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thấy xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và cả lưu trú, gồm: khu A Lăng Như (thôn Giàn Bí); khu Heart Organic Farm (thôn Phù Nam); khu Làng Coco (thôn Lộc Mỹ); khu Làng Mê, Yên Retreat (thôn Nam Yên). Đối với đất lâm nghiệp, có một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái chưa đúng quy định, nhất là dọc theo tuyến đường từ Tà Lang, Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu. Trong khi đó, diện tích đất rừng sản xuất của toàn xã Hòa Bắc hiện khoảng 240ha, chưa đáp ứng nhu cầu giao đất, giao rừng sản xuất cho nhân dân.

Anh Đinh Văn Như, chủ Homestay Alăng Như (thôn Giàn Bí), một trong những khu bị “thổi còi”, cho biết, homestay được thiết kế đơn giản với hình dáng nhà sàn truyền thống. Việc trang trí nội ngoại thất được sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ, đá. Sau gần 3 năm hoạt động (từ tháng 10-2019), khu du lịch đã tạo công ăn việc làm cho ít nhất 10 người dân bản địa, các hộ dân sống quanh homestay được hưởng lợi khi cung cấp các loại thực phẩm tại chỗ như gà, vịt, heo, cá…; tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống; kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, đan lát… Từ đó, giúp người dân có ý thức hơn khi bảo vệ rừng, có thêm nguồn sinh kế ổn định.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) Thái Văn Hoài Nam cho biết, mặc dù làm trên đất nông nghiệp, nhưng những mô hình homestay ở địa bàn xã phần nào tăng hiệu quả sử dụng đất đai, thay vì trồng keo, mía, dưa hấu thì chuyển đổi sang hướng phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo ông Nam, trong quá trình chuyển đổi, do chưa hiểu rõ nên vẫn còn vướng quy định pháp luật. 

Còn theo Chủ tịch huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) Phan Văn Tôn, xã Hòa Bắc hiện chỉ phát triển du lịch dựa vào tiềm năng lợi thế của địa phương. Khoảng 2 năm gần đây, các mô hình này tự phát, người dân tự dựng lều để phát triển du lịch sinh thái, khi cần thiết có thể tháo gỡ dễ dàng. Hoạt động này đã đem lại hiệu quả cho người dân, nhất là không ảnh hưởng đến môi trường vốn có. Vì vậy, theo ông Tôn, với Đề án thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang được phê duyệt, huyện sẽ tìm cách hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái nhưng gắn với bảo vệ môi trường, môi sinh.

Tin cùng chuyên mục