(SGGPO).- Ngày 7-11, Cục Thống kê TPHCM công bố kết quả giai đoạn 1 cuộc điều tra xã hội học về cuộc sống người dân sau tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP năm 2012 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Cục thực hiện. Khảo sát này được thực hiện trên 1.200 hộ dân sau TĐC trên địa bàn 12 quận, huyện.
Kết quả bước đầu cho thấy, có 419 hộ có nhà riêng tự lo nơi ở mới, khoảng 648 hộ nhận căn hộ TĐC, phần lớn các hộ còn lại ở nhà thuê. Về tình trạng nhà trước và sau khi di dời của người dân: trước khi di dời đa số hộ dân có nhà không kiên cố, nhà tạm nhưng sau khi di dời, có 804 hộ có nhà kiên cố khép kín (chiếm 67%), 305 hộ có nhà bán kiên cố (chiếm 25,4%) và 30 hộ là nhà tạm.
Về việc làm: có 38% số hộ có cải thiện hơn so với trước, một số hộ thì giảm sút hơn so với trước là do giải tỏa nên mất đất sản xuất nông nghiệp, mất đất chăn nuôi, phần lớn là những người không có trình độ cao, nên khi chuyển qua nơi ở mới thì việc tìm kiếm công việc khá khó khăn, bên cạnh đó khu TĐC còn rất vắng nên cũng khó kinh doanh buôn bán…
Về thu nhập có 36% hộ đánh giá là có cải thiện hơn so với trước, 37,8% nhận định là vẫn như cũ, có 26% đánh giá là thu nhập giảm sút so với trước.
*Cùng ngày, Đoàn giám sát HĐND TPHCM cũng đã làm việc về trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc bố trí quỹ nhà TĐC cho người dân và chất lượng các khu TĐC. Tại đây, các đại biểu đặt vấn đề: Tại sao người dân không mặn mà với suất TĐC, nhiều trường hợp sau khi nhận nhà xong đã cho thuê, sang nhượng để đi tìm nơi ở mới? Phải chăng sau khi lên chung cư ở thu nhập của người dân không được cải thiện, xa chỗ làm, không có điều kiện để buôn bán mà còn phải đóng các loại phí? Các khu TĐC không hoàn chỉnh đồng bộ các công trình hạ tầng và phục lợi xã hội nên người dân không chịu ở?
Sở Xây dựng cho biết, trong 88 dự án TĐC hoàn thành trong giai đoạn 2007-2012, đa số đều bảo đảm các điều kiện tối thiểu về kết nối các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Chỉ có một số ít do nhu cầu bố trí cấp bách nên tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật đi kèm chưa kịp tiến độ. Về các công trình hạ tầng xã hội của khu TĐC như chợ, trường học, trạm y tế, công viên…, không ít các dự án chủ đầu tư hoặc quận-huyện chờ dân vào ở đầy khu TĐC mới xây dựng các công trình này nhằm đảm bảo tính hiệu quả của dự án, không phải tốn kinh phí cho việc bảo trì, vận hành các hạng mục này khi chưa sử dụng. Theo Sở Xây dựng, điều này dẫn đến việc các khu TĐC thiếu hấp dẫn và người dân không lựa chọn suất TĐC trong dự án.
Nhung Nguyễn – Quang Khoa