Việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã làm thay đổi diện mạo khuôn khổ pháp luật, thể chế chính sách về kinh tế thương mại đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Nhưng, nhiều cơ hội, kỳ vọng cũng đã bị bỏ lỡ từ việc hội nhập này.
Những điều nuối tiếc
Trước hết, đó là cơ hội tăng trưởng không đạt được kỳ vọng. Tăng trưởng GDP 5 năm 2006 - 2010 đạt 7%, 2011 - 2015 là 5,88% - dù vẫn cao với thế giới nhưng rõ ràng là thấp hơn so với chính Việt Nam thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Tăng trưởng bình quân của khu vực nông nghiệp giai đoạn 2007 - 2011 là 3,4%/năm, 2011 - 2015 là 3,1% (thậm chí năm 2015 mức tăng trưởng là thấp nhất, chỉ 2,21%). Trong khi đó tăng trưởng của ngành này giai đoạn 2001 - 2006 là 4%. Điểm yếu tiếp theo là cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề. Mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, nông nghiệp, gia công thâm dụng lao động; nhập siêu lớn và tăng mạnh trong thời kỳ sau WTO.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, điểm đáng chú ý là đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong GDP cũng tăng mạnh từ năm 2007 đến nay. Theo báo cáo của Chính phủ, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình giai đoạn 2007 - 2014 là 56 tỷ USD (chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước), trong khi trung bình giai đoạn 2001 - 2006 là 13,48 tỷ USD (chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu cả nước). Một trong các ví dụ điển hình là Samsung Việt Nam. Riêng nhà đầu tư này đã đóng góp khoản xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 3 năm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu từng nhận định, trong 3 - 4 năm gần đây nếu không có Samsung thì “không biết cán cân thương mại sẽ chênh lệch thế nào và cũng không biết nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 có đạt được hay không”.
Đánh giá tổng thể về các hạn chế, theo báo cáo giám sát, những tồn tại, hạn chế sau khi Việt Nam gia nhập WTO là do công tác chuẩn bị để sẵn sàng hội nhập chưa tốt; một số bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến hội nhập kinh tế quốc tế; hiệu lực thực thi pháp luật chưa cao; chính sách kinh tế chưa đồng bộ...
Tăng tốc cải thiện thể chế
Theo chỉ số Cạnh tranh toàn cầu 2014 - 2015, Việt Nam xếp thứ 68/148 quốc gia, cao hơn so với chỉ số 2012 - 2013 (75/144) nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ số 2011 - 2012 (65/144) và chỉ số 2010 - 2011 (59/144). Trong khi, sau khi gia nhập WTO một năm, xếp hạng của Việt Nam năm 2008 là 70. Các chỉ số sau năm 2007 cho thấy, chỉ số xếp hạng của Việt Nam có xu hướng giảm sút so với trước khi trở thành thành viên WTO (năm 2006 xếp hạng 64), phản ánh những thay đổi trong năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Một dây chuyền sản xuất của Samsung Ảnh: LÃ ANH
Cho rằng Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ WTO nhưng ông Roberto Azevedo - Tổng Giám đốc WTO cho rằng, cải cách thể chế kinh tế phải được xem là vấn đề thiết yếu, là động lực phát triển của Việt Nam thời gian tới. Sức ép của hội nhập đang yêu cầu Việt Nam cải cách. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tăng tốc cải thiện thể chế, nâng cao năng lực thực thi chính sách, tạo dựng môi trường cạnh tranh, minh bạch để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, doanh nghiệp luôn phê bình thể chế, môi trường kinh doanh nhưng cũng nên nhìn nhận rằng đã có thay đổi hết sức cơ bản. Nếu như trước năm 2006, doanh nghiệp muốn nhập ô tô, xe máy… phải xin giấy phép nhập khẩu, rồi hạn ngạch nhưng nay thì không cần. Hay như chúng ta coi việc lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi ban hành văn bản là chuyện đương nhiên nhưng khi chưa gia nhập WTO thì “không có chuyện đương nhiên”. Môi trường thể chế thay đổi về cơ bản và đó là kết quả của việc gia nhập WTO.
QUANG MINH