Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé là hai tuyến kênh lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM. Lưu vực của các tuyến kênh này nằm trải dài trên hơn 10 quận nội thành cũ của TP như quận 1, 4, 5, 6, Phú Nhuận… Các tuyến kênh là nét mới cho sự đổi thay của TPHCM sau 37 năm qua.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé: Cá lội tung tăng
Không chắc vào mắt mình, tôi đã dừng xe lại, chạy đến sát mép nước xem hai cụ bà làm nghi lễ phóng sinh cho chú chép vàng. Vừa thoát ra khỏi bịch nước, những chú cá quẫy đuôi, lẩn nhanh xuống dòng nước.
“Thả ở đây, cá có sống được không bà?”. “Được chứ, tôi đã thả cá phóng sinh ở đây nhiều lần rồi. Chưa thấy chú nào chết cả” - một cụ bà trả lời. Rồi như chứng minh điều mình nói là đúng, hai cụ chỉ cho tôi ngôi nhà của hai cụ “gần chợ thực phẩm Nga” và nói rằng đến hỏi hàng xóm cụ mà xem. Rất nhiều người đã phóng sinh cá xuống đây và tất cả chúng đều sống tốt.
E các cụ không có điều kiện kiểm chứng lời mình nói, tôi đã đến Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, chủ đầu tư dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé. Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý dự án, tươi cười cho biết, khẳng định của các cụ là có cơ sở. Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 đã lắp đặt các thiết bị tách dòng, tách nước thải của các hộ dân trong lưu vực, đưa đi xử lý ở Nhà máy Xử lý nước thải đặt tại Bình Chánh. Nước thải ra kênh bây giờ chỉ là nước mưa và nước đã qua xử lý đạt chuẩn. Các chất cặn bẩn còn sót lại khi xưa cũng đã được nạo vét. Kênh bây giờ đã xanh, lý do nào cá không sống được?
Đúng là mọi thứ đã đổi thay. Cách đây gần 10 năm, khi dự án Cải thiện môi trường nước trong giai đoạn chuẩn bị và dự án xây dựng đại lộ Đông Tây mới bắt đầu, tôi đã cùng một đoàn cán bộ của Sở Giao thông Vận tải đi thực tế bằng ca nô suốt dọc tuyến kênh này. Còn nhớ, đó là vào buổi sáng, nắng vừa mới lên và nước chưa bốc hơi nhiều song mùi hôi nồng nặc đã làm cả đoàn choáng váng mặt mũi. Ca nô nhích từng bước nặng nhọc bởi nước sánh đặc bùn dơ…
Dưới kênh là thế, trên bờ cũng chẳng khá hơn. Đường bộ nhỏ hẹp, xuống cấp, nhà cửa tạm bợ nhếch nhác. Được sự chấp thuận của Chính phủ, TPHCM đã vay ba gói vốn ODA của Chính phủ Nhật để đầu tư cải tạo lại toàn bộ khu vực.
Gói thứ nhất khoảng 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng đại lộ Đông Tây, tuyến giao thông chạy dọc theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nối phía Đông với phía Tây TP, vừa thực hiện chức năng giao thông vừa làm chức năng chỉnh trang đô thị cho bờ phải của toàn tuyến kênh (nếu nhìn từ quận 1 xuống). Gần 11.000 hộ dân và cơ quan đã di dời để toàn bộ bờ kênh được cải tạo, được xây kè.
Gói thứ hai trị giá hơn 4.000 tỷ đồng cho dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 1: chỉnh trang phía bờ trái của kênh, chống ngập cho một số khu vực lân cận, làm hệ thống tách nước thải ra khỏi nước mưa, xây nhà máy xử lý nước thải công suất 141.000m³ nước/ngày, đêm và đưa nước thải về đây xử lý.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, dự án này sẽ hoàn tất. Gói vay vốn thứ ba cho việc thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 đang được chuẩn bị triển khai. Trong dự án này, nhà máy xử lý nước thải sẽ được đầu tư thêm để đạt công suất 469.000m³ nước/ngày, đêm, nhiều khu vực trong lưu vực Hàng Bàng sẽ được chống ngập, cải thiện môi trường…
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Con đường xanh
Những ngày gần đây, TPHCM liên tục họp để xem xét thông qua thiết kế cảnh quan cây xanh cho 2 tuyến đường: Hoàng Sa, Trường Sa nằm dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhiều ý tưởng đã được đưa ra nhưng cơ bản lãnh đạo TP đã quyết sẽ “biến” nơi đây thành một công viên xanh với những cây xanh đặc trưng cho TP để người dân đến thưởng ngoạn. Công trình dự kiến sẽ được hoàn thành vào dịp lễ 2-9 năm nay.
Nhiêu Lộc - Thị Nghè là con kênh đầu tiên của TPHCM được cải tạo và chỉnh trang. Giống như Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã từng là một kênh đen với mùi hôi thối nồng nặc và những căn nhà ven kênh lụp xụp, nhếch nhác. TPHCM đã phải vay gần 200 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để chỉnh trang con kênh này. Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có các hạng mục tách nước thải ra khỏi nước mưa, cải tạo hệ thống cống thoát nước hư cũ trong khu vực, nạo vét và kè bờ kênh….
Ngồi hóng mát trước cửa nhà (gần cầu Kiệu), bà Nguyễn Thị Thơm, một người dân ở quận Phú Nhuận, nhớ lại, lúc kênh chưa được cải tạo, không ai dám mang ghế ra gần bờ kênh ngồi chơi như bây giờ. Phần vướng các nhà xệp xệ ven kênh, phần nước kênh hôi lắm. Bây giờ, không chỉ lớp già như bà mới ra đây nghỉ mà lớp trẻ mang cả bàn ra đây để uống bia, hóng gió…
Tuy nhiên, khác với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa được đưa vào nhà máy xử lý nước thải nên nước kênh chưa được trong như mong muốn. Phải đến giai đoạn 2, khi một nhà máy xử lý nước thải được hoàn thành ở Cát Lái quận 2, nhiệm vụ xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được thực hiện.
Thế nhưng, như ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nói, hiện tại nước kênh cũng đã được cải thiện nhiều vì kênh đã được nạo vét. Dòng nước thông thoáng cũng đã tạo điều kiện cho nước triều vào, thay rửa dần dần thứ nước đen ngòm xưa kia. Đến khoảng tháng 6-2012, hạng mục miệng xả ngầm được hoàn thiện, nước thải được thu gom đưa thẳng ra sông Sài Gòn thì chất lượng nước còn tốt hơn nữa.
Nguyễn Khoa