Nhiều mối lo về phòng cháy chữa cháy

Ngày 18-6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ.

Ngày 18-6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ.

50% vụ cháy do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Bộ Công an cho thấy, trong bối cảnh số cơ sở nguy hiểm cháy nổ tăng trung bình hơn 15%/năm, tình hình cháy nổ đã được kiềm chế thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại. Lực lượng PCCC đã chữa cháy kịp thời, có hiệu quả 6.416 vụ; cứu nạn, cứu hộ 2.466 vụ, giải cứu 1.625 người, bảo vệ khối tài sản, hàng hóa hàng chục ngàn tỷ đồng; hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng chục ngàn người trong các đám cháy…

Do tình hình đô thị hóa nhanh, hình thành các khu dân cư tập trung, nhà cao tầng, các khu công nghiệp, nhiều ngành nghề trọng điểm được mở rộng, phát triển đã tác động đến công tác bảo đảm an toàn PCCC. Trong 5 năm qua, cả nước đã xảy ra gần 13.480 vụ cháy, làm chết 378 người, bị thương trên 1.130 người, thiệt hại về tài sản lên đến 7.800 tỷ đồng và gần 9.200ha rừng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp do nhiều yếu tố như nhận thức, trách nhiệm của một số người đứng đầu bộ, ngành còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ công tác chữa cháy còn nhiều bất cập, thiếu mạng lưới các bể, trụ nước chữa cháy đô thị hoặc có lắp đặt nhưng hư hỏng hoặc không có nước diễn ra phổ biến. Tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy rất hạn chế. Mức độ đầu tư trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng nhu cầu đầu tư xe chữa cháy, xe thang, xe cứu hộ được phê duyệt giai đoạn 2013-2015 là 381 xe các loại, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được 166 xe (chiếm chỉ hơn 40%). Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rất lạc hậu, thiếu nghiêm trọng, có tới 220/963 xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm, thường xuyên hỏng hóc, làm giảm hiệu quả chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương hiện chưa có hạng mục công trình sử dụng cho huấn luyện, đào tạo về PCCC; quy hoạch các đơn vị cảnh sát PCCC xa trung tâm nên hiệu quả chữa cháy không cao. Còn 472/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa thành lập đội chữa cháy; 51 địa phương chưa có đội cảnh sát cứu hộ, cứu nạn chuyên trách. Đặc biệt, do công tác phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC chưa thực hiện thường xuyên, hệ quả là  50% tổng số vụ cháy là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC. Trong 5 năm, cũng đã có tới 70.000 trường hợp vi phạm về PCCC bị phạt với số tiền 135 tỷ đồng…

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là việc PCCC trong các khu dân cư. Nhiều vụ cháy nổ, nhiều tai nạn thiên tai, hạn hán chưa được ứng phó kịp thời do hạn chế về con người và trang thiết bị… Để công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền các địa phương. Nhưng cũng cần tạo điều kiện để các địa phương chủ động trong cân đối nguồn thu nhằm đầu tư trang thiết bị hiện đại cho công tác PCCC.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, công tác PCCC đến nay đã đi vào nề nếp; các vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được xử lý kịp thời, có hiệu quả. Lực lượng PCCC từng bước được kiện toàn theo hướng chính quy, hiện đại và tinh nhuệ... Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập cần sớm được khắc phục trong tình hình mới, nhất là việc xảy ra các vụ cháy ở nhiều khu chung cư, khu công nghiệp, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của PCCC; coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, thực hiện tốt “4 tại chỗ” (xây dựng lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với công tác PCCC, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm hoạt động nếu không bảo đảm an toàn PCCC, vi phạm nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. “Ngay trong năm 2016, các tỉnh tổ chức thanh tra, xử lý dứt điểm các vi phạm này”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng phê bình chủ tịch UBND 21 tỉnh chưa xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và yêu cầu phải thực hiện ngay trong năm 2016.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục