Nhiều nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam

Bên cạnh các nguồn lực trong nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) với tổng số vốn 3 năm qua lên tới hàng trăm triệu USD. Thêm 25 triệu USD dành cho BĐKH
Nhiều nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam

Bên cạnh các nguồn lực trong nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) với tổng số vốn 3 năm qua lên tới hàng trăm triệu USD.

Thêm 25 triệu USD dành cho BĐKH

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay một nửa số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Việt Nam là từ các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có một phần quan trọng do Đan Mạch giúp đỡ thông qua nguồn vốn ODA, viện trợ phát triển chính thức không hoàn lại. Các dự án trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực như trồng, bảo vệ rừng, các dự án cơ chế phát triển sạch, chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với khí hậu, giảm phát thải khí CO2. Ngoài ra, Đan Mạch cũng thường xuyên giúp Việt Nam hoàn thiện, cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Tại buổi họp công bố các dự án hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam và tình hình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch từ nay đến hết năm 2014 mới đây, đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, trong hai năm tới, Đan Mạch cam kết sẽ giải ngân 100 triệu USD viện trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại cho Việt Nam, trong đó 25% số vốn này sẽ dành cho các chương trình ứng phó với BĐKH. Ông John Nielsen lý giải: Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, chính vì thế Chính phủ Đan Mạch luôn ưu tiên cao nhất để hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này, bên cạnh đó Đan Mạch cũng có thế mạnh và chuyên môn trong lĩnh vực này nên có thể giúp đỡ Việt Nam một cách tốt nhất nhằm thích ứng với BĐKH. “Cụ thể, chúng tôi sẽ dành tỷ lệ đầu tư nhiều nhất cho BĐKH khoảng 25%, lĩnh vực quan trọng tiếp theo được đầu tư là nước sạch và vệ sinh với tỷ lệ 15%, tiếp đó lĩnh vực tăng trưởng xanh 20%, số tiền còn lại sẽ được giải ngân ở các dự án khác” - Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cung cấp.

Theo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, hỗ trợ của Đan Mạch chủ yếu tập trung vào phát triển những cộng đồng nghèo ở 3 miền của đất nước, đặc biệt là tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu, Điện Biên, Bến Tre và Quảng Nam. Cụ thể, công trình ngăn nước mặn từ cửa sông chảy vào xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - một trong những hạng mục quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH triển khai tại Bến Tre cũng từ nguồn vốn của Đan Mạch. Với vốn tài trợ trên 4 tỷ đồng, ngoài việc xây dựng đập ngăn mặn, dự án cũng đã mở cống đập Ba Lai, nạo vét kênh mương, đưa nước ngọt từ cầu Kênh Ngang vào xã, ngọt hóa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, cải tạo diện tích đất hoang hóa. Bên cạnh đó, Đan Mạch hỗ trợ triển khai hơn 20 dự án ở Quảng Nam với tổng nguồn vốn gần 151 tỷ đồng để xây dựng đê kè chắn sóng, trồng cây chống sạt lở. Công trình hồ chứa nước Đá Vách Nam Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước và cụm công trình thủy lợi sau nạo vét, kiên cố đã góp phần tích cực cung cấp nước ngọt cho bà con. Bộ TN-MT cũng cho biết, cùng với việc hợp tác, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, Đan Mạch cũng đang phối hợp với Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, triển lãm, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chia sẻ những kinh nghiệm, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Người dân nghèo tại các tỉnh miền núi dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu (Người dân tộc Châu Mạ sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: HUY ANH

Người dân nghèo tại các tỉnh miền núi dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu (Người dân tộc Châu Mạ sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: HUY ANH

Hỗ trợ tăng thu nhập hộ nghèo

Không chỉ Đan Mạch mà thời gian qua, Việt Nam cũng nhận được nhiều hỗ trợ, chung tay của các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cũng vừa chính thức thông qua khoản hỗ trợ tài chính trị giá 33 triệu USD cho Việt Nam với điều kiện ưu đãi nhằm giúp tăng thu nhập cho các hộ gia đình nghèo và giảm tác động của BĐKH tại các huyện khó khăn tại 2 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là khoản hỗ trợ đầu tiên của IFAD cho Việt Nam theo khuôn khổ Chương trình cơ hội hợp tác chiến lược quốc gia giai đoạn mới 2012 - 2017 và IFAD 9. Với đánh giá tích cực về kết quả thực hiện các khoản hỗ trợ cho Việt Nam trong giai đoạn trước, IFAD cũng dự kiến tiếp tục xem xét hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới nhằm giúp Việt Nam duy trì các kết quả xóa đói giảm nghèo đã đạt được và tăng khả năng ứng phó với BĐKH.

Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) - Cộng hòa Liên bang Đức cũng vừa triển khai thực hiện dự án “không khí sạch” cho thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những dự án mà GIZ triển khai thực hiện nằm trong chuỗi dự án “Không khí sạch cho các TP vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN”, được GIZ triển khai thực hiện ở 7 quốc gia thành viên ASEAN gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tổng kinh phí thực hiện dự án 2,5 triệu EUR, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ dưới hình thức cung cấp chuyên gia tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ tài chính khi cần thiết. Theo GIZ, mục tiêu của dự án giúp chính quyền các TP vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về không khí sạch để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; cải thiện và quản lý môi trường của TP sạch, phù hợp với các tiêu chí bền vững trong khu vực ASEAN về không khí sạch và giao thông đô thị bền vững, tăng cường khả năng chống chịu tác động BĐKH của các TP... Mỗi quốc gia trên có 2 thành phố tham gia thực hiện dự án này và tại Việt Nam, GIZ đã chọn TP Cần Thơ và tỉnh Bắc Ninh tham gia dự án từ nay đến hết năm 2015.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục