Nếu lấy cột mốc từ Quốc khánh năm ngoái đến ngày Quốc khánh năm nay, mặc dù vẫn có không ít vấn đề, khía cạnh còn lấn cấn, chưa được như kỳ vọng, song cũng không phủ nhận rằng ngành công chính TPHCM đã có nhiều nỗ lực, đem lại một số nét tích cực cho bộ mặt giao thông vận tải của đô thị lớn nhất nước.
“Nở rộ” cầu vượt bằng thép
Khi nhìn lại lịch sử hoạt động của ngành công chính thành phố, một trong những ấn tượng nổi bật nhất trong năm 2013 là hàng loạt cầu vượt được thi công, khánh thành, tất cả đều nằm ở những vị trí thuộc loại “điểm nóng” giao thông, tức là đã và đang quá tải trầm trọng.
Đầu tiên là cầu vượt Thủ Đức và cầu vượt Hàng Xanh. Được khởi công cuối tháng 7-2012, cầu vượt Thủ Đức nằm lệch về bên phải theo hướng Sài Gòn - Biên Hòa, mép cầu bên trái nằm sát tim đường Xa lộ Hà Nội. Cầu có kết cấu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực được thiết kế với tuổi thọ 100 năm. Cầu dài 570m, rộng 16m trong đó phần cầu dài 278m gồm 7 nhịp liên tục. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn xe và vận tốc thiết kế 60 km/giờ và chỉ dành cho ô tô. Trong khi đó cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh trùng với tim đường Điện Biên Phủ hiện hữu. Cầu vượt Hàng Xanh dài 390m, rộng 16m, trong đó phần cầu dài 222m gồm 8 nhịp, mỗi nhịp dài 27m. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn có khả năng lưu thông với vận tốc 40km/giờ. Cả hai cầu được thông xe cùng ngày 27-1-2013, tức là ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ và cả hai đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra, trong đó cầu vượt Thủ Đức vượt tiến độ 1 tháng, còn cầu vượt Hàng Xanh xong sớm hơn lộ trình 2 tháng.
Cầu vượt bằng thép thứ 3 trên địa bàn thành phố được hoàn tất thi công, thông xe vào dịp 30-4 ở giao lộ Lăng Cha Cả, quận Tân Bình. Cầu vượt Lăng Cha Cả dài 244m, rộng 6,5m dành cho một làn xe máy và một làn ô tô tải trọng dưới 10 tấn lưu thông theo hướng từ Cộng Hòa về Hoàng Văn Thụ.
Mới đây nhất, vào ngày 27-8 thêm hai cầu vượt nữa được chính thức thông xe, đó là cầu vượt tại giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ thuộc quận 10 và giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, quận Tân Bình. Cầu vượt tại nút giao Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ dài hơn 388m, rộng gần 10m gồm 2 làn xe cho xe máy, ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông. Còn cầu vượt tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám dài 268m, rộng gần 10m, có 2 làn xe cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt. Hai cây cầu vượt này hoàn thành sau 4 tháng thi công, tiến độ nhanh hơn kế hoạch 1 tháng.
Điều chỉnh giao thông thành công
Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường, khu vực đã được ngành công chính thành phố tiến hành điều chỉnh giao thông và hầu như tất cả đều từng bước có chuyển biến tốt.
Có thể nhắc đến trường hợp tổ chức phân luồng lại giao thông ở cụm khu vực Sương Nguyệt Ánh - Bùi Thị Xuân, quận 1. Theo sự điều chỉnh này, đường Sương Nguyệt Ánh chỉ còn cho phép ô tô lưu thông một chiều, hướng từ đường Tôn Thất Tùng đến Cách Mạng Tháng 8 và đường Bùi Thị Xuân thì ô tô cũng giao thông một chiều, theo hướng từ Cách Mạng Tháng 8 đến đường Tôn Thất Tùng đồng thời cấm ô tô quay đầu trên đường Cách Mạng Tháng 8 tại giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Bùi Thị Xuân theo hướng từ quận Tân Bình về quận 1. Sự chuyển biến giao thông bước đầu tại điểm nóng này có lẽ cũng còn nhờ ngành công chính cho lắp đặt bổ sung một loạt yếu tố điều độ giao thông khác như lắp đặt 153m dải phân cách thép trên đường Cách Mạng Tháng 8, đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Bùi Thị Xuân; lắp đặt biển báo và treo băng rôn tại nhiều giao lộ bao quanh đó như giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Sương Nguyệt Ánh; giao lộ Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng 8; Bùi Thị Xuân - Tôn Thất Tùng…
|
Một thành công khác là khu vực giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, quận 1. Điều bất cập lớn nhất trước đó tại khu vực giao lộ này đó là đèn tín hiệu giao thông được bố trí hoạt động với chế độ 2 pha, pha 1 cho đường Hàm Nghi và pha 2 cho đường Tôn Đức Thắng đồng thời cấm rẽ trái từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Hàm Nghi. Hệ quả là thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông vì các phương tiện phải rồng rắn nối đuôi nhau dừng chờ trên dốc cầu Khánh Hội theo hướng từ quận 4 sang quận 1, trong khi các phương tiện xe hai bánh lưu thông từ cầu Khánh Hội sang phía quận 1 khi đến giao lộ này rất “dễ” phạm vào lỗi rẽ trái hoặc quay đầu xe tại khoảng mở dải phân cách bất chấp có biển báo cấm rẽ trái để đổ vào đường Hàm Nghi cho… tiện! Nút giao lộ này trở thành điểm nóng ùn ứ bởi vì cả đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng lẫn đường Hồ Tùng Mậu gần đó đều đang lưu thông hai chiều với mật độ xe cộ qua lại rất cao. Mỗi giờ, đường Tôn Đức Thắng có hơn 25.700 xe cộ lưu thông theo cả hai hướng, con số đó trên đường Hàm Nghi là hơn 10.000 xe các loại! Sau khi khảo sát, xem xét thực tế, một loạt giải pháp đồng bộ được ngành công chính đưa ra. Thử nghiệm dùng dải phân cách bê tông dài 28m để bít khoảng mở tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng và tạm thời chuyển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này sang chế độ chớp vàng cảnh báo trong thời gian thử nghiệm. Song song đó, các phương tiện lưu thông trên đường Hàm Nghi, hướng từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Tôn Đức Thắng muốn rẽ trái vào đường Tôn Đức Thắng đi theo lộ trình thay thế là đường Hàm Nghi rẽ phải qua đường Hồ Tùng Mậu, rẽ trái vào đường nhánh S2 rồi ra Tôn Đức Thắng. Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ đường Hồ Tùng Mậu - đường Võ Văn Kiệt và lắp biển báo “Cấm đậu xe” từ 6-21 giờ hàng ngày trên cả hai hướng đường Hồ Tùng Mậu cho đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Võ Văn Kiệt. Kết quả là tình trạng ùn tắc giao thông tại các “điểm nóng” được tổ chức lại giao thông đã giảm.
THIỆN NHÂN