Nhiều quy định về nhà giáo sẽ được luật hóa

Sáng 19-1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo. Hơn 200 chuyên gia luật, nhà quản lý, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước tham gia đóng góp ý kiến.

thu-truong-bo-gd-dt-pham-ngoc-thuong-phat-bieu-ket-luan-tai-hoi-thao-4327-8866-9724.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ với giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc.

Từ tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ GD-ĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95 ngày 7-7-2023.

gs-nguyen-van-minh-hieu-truong-truong-dh-su-pham-ha-noi-kien-nghi-lam-ro-nghe-giao-la-nghe-dac-biet-5839.jpg
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị làm rõ nghề giáo là nghề đặc biệt

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bộ đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95, bao gồm:

(1) Định danh nhà giáo: Định nghĩa tường minh về nhà giáo, xác định rõ vị trí, vai trò của nhà giáo và tính đặc trưng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác biệt so với các ngành nghề khác, làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách tương xứng, phù hợp với nhà giáo;

(2) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo: Chính sách này quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo;

(3) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo: Quy định công tác tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc phù hợp với đặc trưng hoạt động và yêu cầu nghề nghiệp đối với nhà giáo; khắc phục một số vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo hiện nay đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường phân cấp cho các cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực và cơ sở giáo dục;

(4) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo: Quy định các chính sách của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng người có nguyện vọng trở thành nhà giáo và nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục, để đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ; hợp tác quốc tế về nhà giáo nhằm nâng tầm vị thế của nhà giáo; chính sách về lương, chính sách thu hút, đãi ngộ xứng tầm vị thế, vai trò, giúp nhà giáo an tâm công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục;

(5) Quản lý Nhà nước về nhà giáo: Quy định các nguyên tắc quản lý Nhà nước về nhà giáo để đảm bảo khắc phục những bất cập trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo trong thời gian qua, phù hợp với những đặc trưng riêng biệt trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và phát huy được vị thế, vai trò của nhà giáo.

ths-huynh-phuong-chi-truong-dh-su-pham-ky-thuat-tphcm-dong-gop-y-kien-tai-hoi-thao-4.jpg
ThS Huỳnh Phương Chi, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đóng góp ý kiến tại hội thảo

Ngoài việc góp ý bằng văn bản, các chuyên gia cũng trực tiếp thảo luận, góp ý Bộ GD-ĐT và Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo nhiều nội dung như: Định danh nhà giáo (các vấn đề về khái niệm nhà giáo, hoạt động nghề nghiệp, quyền của nhà giáo...); chuẩn nghề nghiệp và chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học; giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo; chế độ làm việc của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học; chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc nhà giáo; hợp tác quốc tế về nhà giáo (điều kiện để nhà giáo ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; tiêu chuẩn để nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy)...

ths-nguyen-hai-ninh-pho-hieu-truong-truong-dh-hoa-sen-neu-kien-nghi-ve-quy-dinh-chuc-danh-nha-giao-2209.jpg
ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nêu kiến nghị về quy định chức danh nhà giáo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thông tin về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, tháng 5-2023, Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Ngày 7-7-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95 về phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 6-2023 của Chính phủ, trong đó thống nhất thông qua 5 chính sách.

Ngày 5-9-2023, Chính phủ có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Luật Nhà giáo và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Ngày 12-12-2023, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 3206/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất ngày 1-3-2024 để xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024.

“Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, thì tiến độ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10-2024), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 5-2025) và thời gian luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2027”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin.

Tin cùng chuyên mục