Nhiều trường ở ĐBSCL mở thêm ngành y – dược: Chưa rõ chất lượng

Từ thực tế hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đều thiếu nhân lực y tế, năm 2012, nhiều cơ sở đào tạo trong vùng đã trình Bộ GD-ĐT xin xét tuyển ngành y - dược; qua đó mở ra nhiều cơ hội học tập cho các thí sinh ở ĐBSCL. Tuy nhiên, việc thiếu cán bộ giảng dạy, trang thiết bị y tế, thực nghiệm, trình độ đầu vào thấp… đang khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo của các cơ sở trên.
Nhiều trường ở ĐBSCL mở thêm ngành y – dược: Chưa rõ chất lượng

Từ thực tế hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đều thiếu nhân lực y tế, năm 2012, nhiều cơ sở đào tạo trong vùng đã trình Bộ GD-ĐT xin xét tuyển ngành y - dược; qua đó mở ra nhiều cơ hội học tập cho các thí sinh ở ĐBSCL. Tuy nhiên, việc thiếu cán bộ giảng dạy, trang thiết bị y tế, thực nghiệm, trình độ đầu vào thấp… đang khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo của các cơ sở trên.

Nhiều cơ hội
 
Những năm qua, việc đào tạo nhân lực ngành y tế cho vùng ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Mặc dù năm nào chỉ tiêu đào tạo của trường này cũng tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cán bộ y tế cho cả vùng.

Từ nhu cầu trên, năm 2012, một số trường đại học ngoài công lập tại ĐBSCL như: Đại học Tây Đô (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), Đại học Võ Trường Toản (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã trình Bộ GD-ĐT xin mở thêm một số ngành đào tạo y, dược bậc đại học.

Sinh viên ngành Trung cấp Dược, Trường Đại học Tây Đô đang thực hành.

Sinh viên ngành Trung cấp Dược, Trường Đại học Tây Đô đang thực hành.

Cụ thể, trong năm nay, Trường Đại học Tây Đô được tuyển sinh thêm ngành dược đại học, xét tuyển trên phạm vi cả nước ở cả 2 khối A, B. Dự kiến trường sẽ xét tuyển khoảng 100 sinh viên cho ngành đào tạo trên. Hiện trường cũng đang chờ Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển đào tạo cử nhân điều dưỡng.
 
Tương tự, Trường Đại học Võ Trường Toản cũng được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho mở thêm ngành y đa khoa trình độ đại học với chỉ tiêu xét tuyển khoảng 200 sinh viên. Trước đó, năm 2011 trường này cũng đã xét tuyển được gần 300 thí sinh vào học dược sĩ. Ngoài ra năm nay, ở ĐBSCL còn có Trường Đại học Trà Vinh được phép tuyển sinh đào tạo chính quy hệ đại học các ngành xét nghiệm y học và điều dưỡng.
 
Việc có thêm các trường tuyển sinh và đào tạo ngành y dược đã mở ra nhiều cơ hội học tập và lựa chọn trường cho các thí sinh vùng ĐBSCL. Năm 2011, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có điểm chuẩn trúng tuyển từ 18,5 - 23 điểm (tùy theo ngành); trong khi đó, ở các trường đại học mới mở ngành y, dược thí sinh chỉ cần đạt từ điểm sàn trở lên là có thể trúng tuyển.

Ở nhiều trường trung cấp cơ hội học tập còn dễ dàng hơn, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí hoàn thành chương trình lớp 12 đều có khả năng trúng tuyển. Như vậy, năm nay, các thí sinh ở ĐBSCL thi trượt ngành y dược ở Đại học Y Dược TPHCM hay Đại học Y Dược Cần Thơ vẫn còn rất nhiều cơ hội học tập tại các trường khác trong vùng.
 
Nỗi lo chất lượng

Hầu hết các trường mới mở thêm ngành y dược ở ĐBSCL đều đang gặp khá nhiều khó khăn như thiếu cán bộ giảng dạy, thiếu trang thiết bị, dụng cụ thực hành... Như Trường Đại học Võ Trường Toản, dù đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo, song vấn đề tuyển dụng cán bộ giảng dạy lại gặp khó khăn. Bà Hồ Nhật Mai Trâm, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Tuyển dụng sinh viên ngành y, dược mới ra trường về làm công tác giảng dạy đã khó, khi tuyển được rồi còn phải bồi dưỡng thêm mới có thể đứng lớp.

Vì vậy, hiện nay một số môn học cơ sở ngành như: tâm lý đạo đức y - dược; bào chế; thực vật dược, trường phải mời các chuyên gia từ Huế vào đứng lớp. Qua các giờ học này, không chỉ sinh viên được học, mà các giảng viên trẻ cũng tham gia trợ giảng để tích lũy kinh nghiệm”.

Còn tại Đại học Tây Đô, để đảm bảo giờ dạy cho sinh viên, trường phải ký hợp tác với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ để mời giảng viên của trường này thỉnh giảng.

Theo PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, khác với các ngành học khác, ngành học y, dược đòi hỏi phải có sự khắt khe trong học tập cũng như làm việc. Hiện nay, có thêm nhiều cơ sở đào tạo mở ngành y dược sẽ giúp ĐBSCL nhanh chóng thoát khỏi tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
 
Từ năm 2010, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trường Đại học Y - Dược TPHCM và UBND 13 tỉnh, thành trong vùng xây dựng, đề xuất Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT cho triển khai đề án “Đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ sử dụng cho miền Tây Nam bộ”.

Với mong muốn sau 5 năm, ĐBSCL sẽ có thêm 1.840 bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các địa phương, bao gồm các loại hình bác sĩ đa khoa chính quy, liên thông – một loại hình đào tạo giúp giữ chân cán bộ y tế tiếp tục phục vụ tại vùng sâu, vùng xa. Để tăng số lượng, phải chấp nhận giảm ở mức có thể được chất lượng đầu vào hệ đại học y dược theo nguyên tắc trên sàn, dưới chuẩn.

Tuy nhiên, mùa tuyển sinh 2010-2011 vừa qua, Trường ĐH Y - Dược TPHCM cũng chỉ tuyển được 120 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ liên thông của đề án này, chưa thể tuyển đầu vào hệ chính quy do còn vướng chỉ tiêu và nhiều thủ tục ràng buộc... Trong khi đó, nếu đầu vào cho các trường ngoài công lập quá thoáng như hiện nay, chất lượng đào tạo là câu hỏi lớn cho ngành giáo dục và y tế.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục