Nhiều văn bản có quy định trái pháp luật được phát hiện, kết luận nhưng chậm xử lý

Việc phát hiện và xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp thực tiễn vẫn chưa kịp thời. Còn khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý.
Toàn cảnh hội nghị sáng 23-12
Toàn cảnh hội nghị sáng 23-12

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị cho biết, từ năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ của Chính phủ và nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ và hàng năm của ngành, tổ chức triển khai toàn diện trên các lĩnh vực công tác, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Ngành tư pháp đã tập trung chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ tổng kết, tham gia tổng kết tình hình thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến và giáo dục pháp luật, công tác luật sư và hợp tác quốc tế về pháp luật.

Qua đó, đã tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các kết luận quan trọng, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá và bảo đảm khả thi để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác này trong thời gian tới.

Trong nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và năm 2021), trong đó đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện; đồng thời phối hợp tích cực, hiệu quả với các bộ, cơ quan ngang bộ trong soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh.

Nhìn chung, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm, được thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 90%).

Riêng trong năm 2020, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật khác, đưa tổng số văn bản đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này là 112 văn bản (gồm 71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội và 17 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015; riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 8 luật.

Tính cả giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tổng số 5.330 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tăng 1.515 văn bản (tăng 39,7%) so với nhiệm kỳ trước; các địa phương đã ban hành tổng số 20.923 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 51,7% so với nhiệm kỳ trước), 13.990 VBQPPL cấp huyện (giảm 54,5%) và 72.253 VBQPPL cấp xã (giảm 63%).

Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ.

Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã phản ứng rất nhanh, có chất lượng để kịp thời góp ý, thẩm định các chính sách, quy định ứng phó với đại dịch Covid-19.

Năm 2020, toàn ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 VBQPPL (giảm 26,8% so với năm 2019); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỉ lệ 2,38% trên tổng số văn bản được kiểm tra, giảm 0,4% so với năm cuối của nhiệm kỳ trước).

Riêng tại Bộ Tư pháp, năm 2020 đã kiểm tra 2.970 văn bản (giảm 39% so với năm 2019); qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 68 văn bản (6 văn bản của cấp bộ, 62 văn bản của địa phương). Đến nay, có 41/68 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.

Tuy nhiên, những tồn tại trong công tác tư pháp cũng đã được chỉ rõ. Đó là, chất lượng của một số VBQPPL chưa cao; tính dự báo, khả thi và ổn định của hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, gây nên ý kiến trái chiều của dư luận và các đại biểu Quốc hội. Vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh.

Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tại các bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục hiệu quả và có xu hướng tăng trở lại trong vài năm gần đây (cuối năm 2018 nợ 4 văn bản, cuối năm 2019 nợ 10 văn bản, cuối năm 2020 nợ 16 văn bản).

Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp thực tiễn vẫn chưa kịp thời. Còn khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý.

Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung chưa được thực hiện một cách thỏa đáng, chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình, chưa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển chưa cao….

Tin cùng chuyên mục